• 2165 lượt xem
  • 15:23 24/06/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Kỷ luật mềm trong gia đình - Cuốn sách hướng dẫn cha mẹ có trải nghiệm hạnh phúc bên con mỗi ngày

Giai đoạn 0 -10 tuổi được coi là thời kì quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ nhỏ. Vậy ở giai đoạn này trẻ cần gì nhất ở cha mẹ? Cũng như cần những trải nghiệm nào nhất trong thời thơ ấu? Còn với các bậc cha mẹ, làm thế nào để vượt qua giai đoạn nhiều cung bậc của con trẻ để mỗi ngày bên con thực sự là hành trình hạnh phúc và ý nghĩa?

"Kỷ luật mềm trong gia đình" – 1 cuốn sách do NXB Lao động phát hành sẽ trả lời cho những câu hỏi trên và những câu hỏi khác về nuôi dạy con, thông qua chính những trải nghiệm thực tế của tác giả Nguyễn Thị Thu với hơn 10 năm ở Nhật vừa học tập, vừa làm mẹ, trong đó có sáu năm đồng hành chia sẻ những câu chuyện nuôi dạy con với các cha mẹ Việt Nam.

TS NGUYỄN THỊ THU, Chuyên gia Giáo dục - Giám đốc đào tạo hệ thống Giáo dục Tsubaki: "Cuốn sách “Kỷ luật mềm trong gia đình” là cuốn sách nối tiếp cuốn “Kỷ luật mềm cho trái tim” và cuốn sách này dành cho độ tuổi từ 3 đến 10 tuổi. Vì sao tôi lại muốn viết cuốn sách này? Bởi vì sau khi trở về Việt Nam được hơn một năm, trong quá trình làm việc ở trường mầm non tôi nhận thấy được rằng ở Việt Nam trong độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi, thông thường các bố mẹ chưa quan tâm nhiều lắm đến việc xây dựng những quy tắc cho trẻ con trong gia đình. Dẫn đến việc đôi khi bố mẹ thường xuyên phải quát mắng, cáu gắt với các con khi các con không nghe lời. Cuốn sách “Kỷ luật mềm trong gia đình” này chia sẻ về điều gì? Điều đầu tiên đấy là giúp cho các bố mẹ biết được tầm quan trọng của việc xây dựng những quy tắc đối với con trẻ, bởi vì với trẻ con sẽ luôn muốn mọi chỉ dẫn của bố mẹ đều phải có sự rõ ràng, không phải hôm nay như thế này ngày mai lại như thế kia. Khi trẻ con có được những hướng dẫn và chỉ dẫn rõ ràng như vậy thì những việc mà bố mẹ nhắc nhở với các con nó sẽ dễ dàng hơn và các con sẽ hợp tác hơn.

Những quy tắc trong gia đình là một chương trọng yếu trong cuốn “Kỷ luật mềm trong gia đình” này, các bố mẹ có thể tham khảo. Đầu tiên là những quy tắc về xây dựng những nề nếp vệ sinh cá nhân, rèn tính tự lập cho các con. Thứ hai là những quy tắc trong gia đình có tính trách nhiệm, ví dụ có thể giao cho các con những công việc nhẹ nhàng, giúp đỡ bố mẹ. Và điều thứ hai nữa đấy chính là xây dựng cho con những thói quen ứng xử có nề nếp ở ngoài công cộng. Bởi vì độ tuổi 4 đến 10 là độ tuổi mà các con đang trong quá trình hình thành nên nhân cách và thói quen tốt cho mình. Khi các con được hướng dẫn  những thói quen ứng xử văn minh, hoặc ở nơi công cộng thì các con sẽ không xả rác, biết xếp hàng theo thứ tự hay không làm ồn nơi công cộng. Những điều ấy sẽ góp phần tạo nên nếp sống văn minh cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Tôi rất là tâm đắc và mong muốn gửi gắm đến với các bố mẹ trong cuốn sách này, đấy chính là làm thế nào nhắc nhở con để con tự giác và nuôi dưỡng cho con tính chủ động, tính tự chủ. Cái gợi ý của tôi ở đây là thay vì nhắc việc  con đi dọn đồ chơi đi, hay con đi tắm đi, con đi học bài đi thì chúng ta nên áp dụng cho con những quy tắc, những giờ giấc cụ thể, thời gian biểu rõ ràng và cái thứ hai là nên đặt câu hỏi với các con. Phương pháp này đặc biệt cực kỳ hiệu quả, nó sẽ giúp cho khi trẻ lớn dần lên các con sẽ có  trách nhiệm đối với công việc của bản thân mình. Và thứ hai nữa bố mẹ sẽ không phải nhắc nhở từng ly từng tí một những công việc hằng ngày .

Vì sao gọi là “Kỷ luật mềm trong gia đình” bởi vì nó không thể thiếu được sự chung tay, trong quá trình nuôi dạy của người bố. Vì đến 6 tuổi thông thường các bố thường hay quan niệm là vai trò chính là do người mẹ, thế nhưng khi các con bước vào tầm từ 4 đến 6 tuổi trở lên thì lúc này các con cần đến kỹ năng giao tiếp về mặt xã hội, việc người bố tham gia quá trình nuôi dạy con là một việc rất cần thiết và quan trọng. Những cái nào là thế mạnh của bố thì các mẹ hãy nên tận dụng và phát huy. Chúng ta không nên đòi hỏi ở các bố tất cả mọi thứ được. Nhưng từ những việc rất nhỏ như thế thì dần dần sẽ khích lệ và khiến cho các bố cảm thấy hào hứng và tự tin hơn trong quá trình đồng hành và nuôi dạy con cùng với các mẹ."

Ninh Tùng