• 2474 lượt xem
  • 14:25 20/06/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Lịch sử của những cây cầu" - chuyện về những cây cầu từ khởi thủy tới đầu thế kỷ XX

Trong chuyên mục “Cuốn sách tôi chọn” hôm nay 20/6, chúng tôi muốn giới thiệu tới quý vị ấn phẩm “Lịch sử của những cây cầu” của tác giả Henry Grattan Tyrrell do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành.

Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của dịch giả Nguyễn Tuấn Bình, một người luôn có tình yêu đặc biệt với những công trình kiến trúc lịch sử, để khám phá về hành trình phát triển của những cây cầu từ khởi thủy tới đầu thế kỷ XX.

Dịch giả NGUYỄN TUẤN BÌNH: "Xuất phát từ nghề giảng dạy thiết kế cầu trong trường đại học giao thông vận tải trong 15 năm, tôi nhận thấy kể cả sinh viên lẫn kỹ sư, trong đó có cả tôi, khi làm nghề đều thiếu những kiến thức về lịch sử và nghệ thuật, cội nguồn phát triển của chính công việc mà mình làm. Như hôm nay, đứng trên cây cầu Long Biên, tôi nhận ra tại sao những cây cầu người ta đã làm 100 năm trước mà thế hệ tôi bây giờ không còn làm được nữa. 

Đó là động lực để tôi bắt tay vào dịch cuốn sách “Lịch sử của những cây cầu”. Đây là câu chuyện về những cây cầu từ cổ chí kim, từ thời cổ đại con người ta đã làm cầu như thế nào, từ những hòn đá bắc cây qua sông qua suối, đến người Ai Cập xây dựng cầu ra làm sao, đến đỉnh cao của thời La Mã họ đã xây dựng những cây cầu vĩnh cửu từ những năm trước Công nguyên mà đến bây giờ ở Roma vẫn còn lại 14 cây cầu…

Khi bắt tay vào dịch cuốn sách “Lịch sử của những cây cầu”, tôi cũng không hề biết, nhưng một cảm giác rất thú vị và lạ lẫm len lỏi trong tôi, đó là một cuốn sách của tác giả nước ngoài nhưng lại có đến hai cây cầu của Việt Nam được nhắc đến: Cây cầu Long Biên và cây cầu Hàm Rồng vượt qua sông Mã ở Thanh Hóa. 

Khi đọc những dòng tác giả viết trong đó thì tôi mới biết những thông tin mặc dù đã đi làm cầu nhiều năm nhưng tôi vẫn không hiểu được như vào thời điểm xây dựng cây cầu này do ngài Dume - lúc ấy là toàn quyền Đông Dương quyết định cho xây dựng một cây cầu đầu tiên vượt qua sông Hồng. Nó diễn ra khoảng năm 1897, khi thông xe có sự góp mặt của vua Thành Thái và ông Dume. Khi hoàn thành, cây cầu này dài 1.600m và là cây cầu lớn nhất Châu Á vào thời điểm nó ra đời. 

Phần cầu được mở rộng chính là vị trí tôi đang đứng đây là để cho các phương tiện hàng hóa, những người bán rong có thể đi được và họ đã quyết định đảo chiều xe chạy để cho cây cầu được cân bằng lúc nó hoạt động. Ngày hôm nay, rất nhiều các bạn trẻ thắc mắc tại sao giao thông toàn bộ Hà Nội đi theo một chiều nhưng lên cầu Long Biên thì lại đi theo chiều ngược lại hoàn toàn thì là vì lẽ đó. 

Ngoài việc dịch một tác phẩm rất quan trọng của tác giả Henry Grattan Tyrrell, đối với mỗi một cây cầu được nhắc đến trong cuốn sách, tôi đều dành công sức để sưu tầm hình ảnh minh họa của nó, để giúp các kỹ sư có được hình ảnh minh họa rõ nét nhất, có thể hình dung được những cây cầu mà người ta đã làm trong thế giới này.

Ra mắt bộ sách này, điều gửi gắm lớn nhất của tôi là bù đắp một lượng kiến thức mà thế hệ sinh viên và kỹ sư bọn tôi chưa từng được học về lịch sử cũng như nghệ thuật để xây dựng nên những cây cầu. Làm sao để những thế hệ kỹ sư của tôi không tạo ra những lô cốt ở giữa những thủ đô như Hà Nội hay Sài Gòn, không tạo ra những con quái vật về mặt kiến trúc trong đô thị...? Muốn thế thì phải biết được về nghệ thuật của một cây cầu đẹp ra làm sao, những nguyên tắc cơ bản để xây dựng cầu như thế nào, để sau một trăm năm chúng ta phải làm được những cây cầu như người Pháp đã làm cho chúng ta, như cây cầu Long Biên này."

Linh Chi