• 2013 lượt xem
  • 15:42 26/09/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Nỗi buồn chiến tranh - Góc nhìn đặc biệt về chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã in dấu trong tâm trí của chúng ta qua vô số các tác phẩm điện ảnh và văn học với nhiều góc độ khai thác khác nhau. Và trong số đó có một cuốn sách dù đã ra đời cách đây hơn 30 năm nhưng đến nay vẫn được tái bản nhiều lần và được bạn đọc trong nước và quốc tế yêu thích, đón nhận. Vâng chúng tôi muốn nói đến tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh.

Cuốn sách được mệnh danh là "đại sứ" đưa văn học Việt Nam đến gần hơn với độc giả thế giới, ấn phẩm của NXB Trẻ này sẽ được giới thiệu tới quý vị trong chuyên mục "Cuốn sách tôi chọn hôm nay" hôm nay, thông qua những chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà .

Tôi đọc tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh từ khi tôi còn rất trẻ, lúc đó thì cuốn sách mang tên là “Thân phận của tình yêu”. Lớn lên sau này thì tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách này khoảng 5-6 lần. Văn học hiện đại Việt Nam thì đây có thể coi là cuốn sách tiên phong, giá trị nhất đã đem văn chương Việt Nam ra với thế giới, hội nhập với thế giới. Ở góc độ các tác phẩm văn học viết về chiến tranh thì đây là một tác phẩm viết về chiến tranh của Việt Nam đặc biệt nhất, khác biệt nhất. Tác giả Bảo Ninh viết cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” thì cũng không đề cập về một cuộc chiến cụ thể nào mà tác giả viết về một nhân vật sau khi trở lại Hà Nội thì không thể hòa nhập lại với cuộc sống hiện tại và anh ta bị kẹt lại với những ký ức làm anh ta không ngủ được, về ký ức của những trận đánh khốc liệt. Anh ta bị ám ảnh bởi chuyện các đồng đội của mình cứ lần lượt chết mà anh ta lại không chết và anh ta thấy rằng mình như đã bị trừng phạt và anh phải sống để kể lại câu chuyện bi tráng một thời của rất nhiều thanh niên Việt Nam. Điều đọng lại trong suy tư từ góc nhìn của anh ấy đó là không phải cuộc chiến đó bên nào có lý bên nào không có lý bởi vì bản chất chiến tranh là vô lý, chiến tranh là không nên xảy ra. Những con người, những thân phận nhỏ bé như anh Kiên, như chị Phương, như cô gái câm điếc ở cạnh nhà và như bao thế hệ Việt Nam, những trí thức, nghệ sĩ và cả những người dân thường khi phải tham chiến thì cuộc chiến sinh tồn, cuộc chiến cá nhân của họ quan trọng hơn nhiều so với cuộc chiến lớn của các quốc gia với nhau. Tôi nghĩ đây là góc nhìn rất đặc biệt và rất con người của tác giả Bảo Ninh.

Với những người nước ngoài khi tìm hiểu về văn học Việt Nam thì tất cả những người phương Tây, tất cả những người nước ngoài tôi đã từng gặp, khi hỏi về văn học Việt Nam thì câu đầu tiên họ nói là: “The sorrow of war” - Nỗi buồn chiến tranh. Tức là phần lớn họ đọc văn học hiện đại Việt Nam, họ hiểu về chiến tranh, hiểu về tâm hồn Việt Nam thông qua cuốn sách này đầu tiên, sau đấy mới là những cuốn sách khác. Nếu ở góc nhìn của cá nhân tôi thì tôi nghĩ đây là một cuốn sách mở đường, tiên phong, tiêu biểu nhất cho giá trị văn học Việt Nam đương đại... Quyển sách này cũng vẽ ra một không gian nho nhỏ của Hà Nội. Khi đọc thì tôi có cảm giác một không gian loanh quanh hồ Thiền Quang, loanh quanh các khu phố Nguyễn Du, Trần Quốc Toản hay khu Tràng Thi, Bờ Hồ,… Tôi đọc là tôi hình dung ra ngay dù tác giả không nói cụ thể về một con phố nào cả. Cuốn sách này cũng là cuốn sách đem lại niềm cảm hứng cho tôi đọc rất nhiều tác phẩm văn học khác viết về chiến tranh của Việt Nam. Tôi nhận ra tác phẩm văn học viết về chiến tranh Việt Nam có rất nhiều và nó nhìn chiến tranh ở một góc độ khác rất con người và rất nhân ái. Tôi nghĩ đây cũng là những giá trị cốt lõi của nhân loại và bất cứ người dân nào trên thế giới cũng có thể tiếp cận được chứ không phải là tiếp cận theo góc nhìn phiến diện của một phía nào cả".

 

Hải Linh