Đà Nẵng: Ngư dân đãi cát tìm “lộc biển” đầu xuân

Vừa ăn Tết xong là nhiều bà con ngư dân ven biển miền Trung lại hồ hởi đón chờ mùa ốc ruốc, hay còn gọi là ốc lễ, bởi bây giờ là lúc con ốc béo nhất, ngon nhất và cũng là lúc nhiều người muốn nhởn nhơ thưởng thức món quà vặt giản dị từ bao đời nay. Mời quý vị và các bạn cùng tới bờ biển Đà Nẵng để xem người dân ở đây - Đãi cát tìm lộc biển đầu Xuân.

50 triệu là một số tiền lớn với người lao động, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề 2 năm qua. Nhiều người nghỉ việc tranh thủ mùa ốc để tang thu nhập, có thể coi đây là lộc từ biển mà người dân ở đây được hưởng dịp đầu xuân. 

Bà Huỳnh Thị Lan, Phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng: Con trai làm cái này tới khi hết mùa thì lại đi làm công nhân, còn mẹ ở trên bờ phụ. Hết mùa ốc lại đi làm bếp hoặc ở nhà cơm nước. Từ lâu lắm rồi, từ đời ông nội đã làm cái này.

Mẹ con anh Lanh phải đến bãi biển từ tờ mờ sáng khi thủy triều bắt đầu rút. Với một cái vợt lưới cán dài, người con dầm mình xuống biển cào cát tìm ốc, người mẹ chờ trên bờ để sàng và lựa ốc to. Ốc sau khi sàng sẽ phải ngâm trong nước biển từ 3 tới 4 tiếng để nhả cát rồi mới bán cho thương lái. 

Anh Phạm Văn Lanh, Phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng: Thường thường ra Tết, bắt đầu từ tháng Giêng cho tới tháng tư, khi đi cào là theo con nước, thủy triều xuống mình đi. Tùy địa hình của biển, có nơi rất là xa, có nơi rất cạn. Con ốc nó nằm lúc xa, có lúc tầm chỉ ngang đầu, nói chung ở nhiều mực nước.

Mỗi lon ốc mua xỉ có giá 10.000đ, hoặc bán theo thùng với giá 200 ngàn đồng. Ngày ít được 300, 500, nhiều thì 7-800 thậm chí hơn triệu 1 ngày. Thu nhập hấp dẫn là thế, nhưng không phải ai cũng làm được, bởi tháng giêng trời lạnh, hàng ngày ngâm mình dưới nước vài tiếng đồng hồ là không đơn giản.

Ông Phạm Một, Phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng: Tùy theo triều, có bữa đi 12h đêm, có bữa 9-10h sáng, có lúc 7h tối. Triều rút lúc nào mình đi nó lên thì mình về. Cực lắm, vất chứ, lạnh nữa. Cào về rồi còn ngâm nữa, rồi nêm gia vị rồi mới bán cho họ…

Lộc biển cho thì họ mang về, còn ốc nhỏ sau khi sàng, người dân lại trả về biển để ốc lớn và hẹn gặp lại mùa năm sau…

Nhiều người miền Trung xa quê chắc chắn không thể quên được cái thú ngồi tẩn mẩn lễ ốc khi nhàn rỗi, đưa vào miệng thưởng thức cái vị thơm của ốc, cay cay của ớt, của xả và vị mặn mòi từ biển cả quê hương./.

Việt Hà