Đại biểu đề nghị làm rõ hơn chính sách ưu tiên của Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến trong sáng 13/6, khi thảo luận về Luật khám, chữa bệnh sửa đổi.

Cơ bản tán thành với dự thảo luật, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại về cơ chế, chính sách ưu tiên trong hoạt động khám chữa bệnh. Trong đó, làm rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước về công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Bà ĐOÀN THỊ LÊ AN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng : “Tôi đề nghị bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã. Đặc biệt là vùng miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ quyền được khám, chữa bệnh và hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định.”

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo các chế độ chính sách đặc thù cho cán bộ và nhân viên y tế phục vụ tại vùng này. Bởi lẽ, hiện nay đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh còn thiếu cả về số lượng, yếu về chất lượng. Ở các huyện vùng sâu, vùng xa chỉ có 1 bác sĩ trên 4.000 đến 5.000 dân và cơ sở vật chất đã cũ.

Bà KHANG THI MÀO - Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái :“ Nếu không đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nguồn nhân lực phù hợp thì chủ trương này sẽ không khả thi. Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt chú trọng chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, tạo việc làm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, người ở vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế tại vùng này, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ y tế yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương”

Về những đề xuất, kiến nghị của đại biểu Quốc hội liên quan đến nội dung này cũng đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình và làm rõ thêm tại phiên thảo luận.

Phó Thủ tướng Chính phủ VŨ ĐỨC ĐAM:Về các chính sách của Nhà nước về công tác khám, chữa bệnh. Luật trước đây và dự thảo luật hiện nay đã đưa ra nhiều chính sách, các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng đề xuất thêm nhiều chính sách. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu nghiêm túc và chúng ta phải nhấn mạnh hơn rất nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách liên quan đến các đối tượng khó khăn, trong đó có đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và các đối tượng yếu thế trong xã hội, các chính sách khác bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người bệnh cũng như là của người thầy thuốc.”

 Phó Thủ tướng cũng cho rằng ngoài sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, rất cần có những nguồn đầu tư khác để nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngay tại tuyến cơ sở. Bởi đầu tư cho y tế cơ sở, không chỉ là giải pháp hữu ích, tiết kiệm nhất mà còn thể hiện tính nhân văn nhất trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.