Đại biểu Lê Thanh Vân: Thảo luận là tranh biện, không phải cầm giấy đọc ê a

Chiều 2/11, thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh, nếu Kỳ họp là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, thì thảo luận là trung tâm trong hoạt động của Kỳ họp. Cho rằng hoạt động thảo luận của Quốc hội hiện nay còn phần nhiều là tham luận, đại biểu cho rằng, đổi mới căn bản nhất là đổi mới phương thức thảo luận của các đại biểu.

Đại biểu đề nghị cần định nghĩa rõ hai hình thức thảo luận, là thảo luận ở tổ, ở đoàn, để làm rõ, đây là bước để sàng lọc vấn đề, để khi thảo luận tại hội trường, Quốc hội chỉ tập trung vào các vấn đề quan trọng, có ý kiến khác nhau. Đại biểu cho rằng, khi làm được điều này, sẽ giúp tăng tính minh bạch, rạch ròi cho những vấn đề đã thống nhất khi thảo luận ở đoàn, ở tổ, khi thảo luận tại Hội trường sẽ hướng đến phân tích những vấn đề lớn hơn, phức tạp hơn.

Đại biểu cũng cho rằng, việc đổi mới phương thức thảo luận sẽ nâng cao năng lực tranh luận, tranh biện của đại biểu Quốc hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đại biểu đề nghị cần thay đổi phương thức thảo luận tại tổ, chuyển đổi mạnh mẽ từ tham luận sang tương tác, biện luận trực tiếp, cụ thể, cần có thay đổi trong thủ tục tiến hành thảo luận tại tổ, thủ tục thảo luận tại các phiên họp toàn thể, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tọa phiên họp, đảm bảo phiên họp diễn ra với hiệu quả cao, đạt được kết quả thực chất.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, với những phiên họp có quá nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, cần rút ngắn thời lượng phát biểu của các đại biểu ngay từ đầu phiên họp, tránh tình huống rút ngắn thời gian của các đại biểu phát biểu sau, không đảm bảo tính bình đẳng trong tổ chức phiên họp.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số