Chiều 1/6, phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre góp ý về điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn. Đại biểu bày tỏ tán thành Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, cho biết năm 2021-2022 tiến độ giải ngân và các nguồn vốn chưa phân bổ đã đươc Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ hộp này rất đầy đủ, phù hợp với các đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn nêu rõ, trong suốt những năm qua, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kỳ vọng sớm triển khai tuyến đường ven biển của 13 tỉnh ĐBSCL. Qua nghiên cứu điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn lần này, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn cho16 dự án cho khu vực vùng ĐBSCL. Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn hoan nghênh và tán thánh với Chính phủ, đặc biệt cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, đã giúp các tỉnh ĐBSCL thời gian qua thống nhất cách tiếp cận nguồn vốn và các đề xuất để thực hiện được dự án này. Nếu dự án tuyến đường ven biển hơn 700km này được thực hiện đồng bộ, quyết liệt thì sẽ tạo điều kiện cho khu vực ĐBSCL phát triển. Đại biểu cũng chỉ rõ dự án tuyến đường ven biển này còn một số vấn đề chưa thống nhất, là điểm nghẽn trong các cơ chế, chính sách.
Đối với cơ chế cho vay lại đối với ĐBSCL, theo đề nghị của các tỉnh ĐBSCL, cho phép áp dụng theo cơ chế 90 -10. Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn mong muốn Quốc hội cho phép các tỉnh ĐBSCL theo cơ chế này. Nếu phân theo cơ chế 70-30 thì khả năng ngân sách sẽ rất khó thực hiện.
Đối với một số hạng mục liên tỉnh, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị Chính phủ cho tiến cận cấp phát vốn vay 100%, Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư, nếu không thì giao thẩm quyền cho địa phương để đầu tư thực hiện những công trình này.
Đối với nhóm nhà tài trợ, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho biết, 13 tỉnh ĐBSCL tiếp cận 6 nhóm nhà tài trợ khác nhau, do đó đề nghị Trung ương giao cho một Bộ chủ trì làm đầu mối, cùng với 13 tỉnh đàm phán vấn đề này, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tạo điều kiện cho các tỉnh ĐBSCL sớm triển khai thực hiện dự án này.