Đại biểu Quốc hội băn khoăn về quy định thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp

Liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, các đại biểu cho rằng, quy định này cần được quan tâm đúng mức; đồng thời, đề nghị cần tiếp tục tổng kết, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về nội dung này để thiết kế các quy định phù hợp, giải quyết được các vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra.

Theo báo cáo của Bộ Nội Vụ, tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức hội nghị người lao động còn thấp, đạt khoảng 64%. Doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, gần như không tổ chức hội nghị người lao động theo quy định. Do vậy, các đại biểu cho rằng việc thực hiện dân chủ doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tế. 

Ông TRẦN NHẬT MINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: “Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật lao động như đối thoại doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, hợp đồng lao động được quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật khác để không có sự trùng lặp, chồng chéo giữa hệ thống pháp luật về dân chủ cơ sở và hệ thống pháp luật lao động”.

Về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp, các ý kiến cũng đề nghị trong dự thảo luật cần có quy định đặc thù với doanh nghiệp nhà nước, bởi doanh nghiệp nhà nước là đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn đầu tư công của nhà nước. 

Ông TRẦN QUỐC QUÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: “Cần thiết phải có những quy định đặc thù để quản lý, sử dụng, kiểm soát các nguồn lực đầu tư của nhà nước, kiểm soát về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nếu có, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các quy định chi tiết hơn về các nội dung doanh nghiệp phải công khai liên quan đến quyền trực tiếp của người lao động. Thực tế, thời gian qua, việc công khai tại các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, nhất là chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Mặc dù dự thảo luật có quy định thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhưng trong các doanh nghiệp này không thành lập ban thanh tra nhân dân trong khi đó tờ trình của Chính phủ có nêu ban thanh tra nhân dân là một thiết chế ở cơ sở, vậy thì thực hiện dân chủ ở cơ sở như thế nào?”.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo đánh giá tính khả thi của việc thực hiện dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp ngoài nhà nước, nếu có quy định thì phải xử lý mối quan hệ của luật này với Bộ Luật Lao động để đảm bảo việc thực hiện phù hợp với các nguyên tắc của quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam