Đại biểu Quốc hội hiến kế để phát triển sản xuất nông nghiệp

Kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu phân bón để giảm gánh nặng cho người dân hay tồn tại nghịch lý vừa thừa, vừa thiếu lao động ngành Nông nghiệp ở đồng bằng Sông Cửu Long là những vấn đề tuy không mới nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Những vấn đề này một lần nữa được các ĐBQH đề cập tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.

Do những diễn biến tăng theo giá thế giới, giá phân bón đã tăng thêm 1.000-1.900 đồng/kg. Với lần tăng giá này, phân bón là mặt hàng tăng cao nhất trong 50 năm qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, chi phí phân bón chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản xuất, tới 50%. Những số liệu này được các ĐBQH dẫn chứng cho khó khăn mà người nông dân đang gặp phải trong suốt thời gian qua.

Bà CHÂU QUỲNH DAO - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang: “Nếu không quan tâm, không khắc phục sớm thì sẽ dẫn một nghịch lý. Đó là, chính những người nông dân là người tự sản xuất lương thực và đảm bảo an ninh lương thực cho toàn xã hội nhưng sẽ rơi vào đói do nghèo. Tôi kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật số 71 Quốc hội khoá XIII, trong đó có quy định là giá phân bón là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng theo hướng “được chịu thuế giá trị gia tăng để được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước.”

Ông HUỲNH THANH PHƯƠNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Không thể kêu gọi giải cứu hàng hóa mãi mà phải có giải pháp từ việc quy hoạch sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới đến việc dự báo thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Nông nghiệp vẫn thể hiện rõ tình trạng sản xuất manh mún, nông hộ truyền thống, tự phát, xuất khẩu nông sản tiểu ngạch vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Việc kiểm soát giá cả đầu vào của sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập.”

Bên cạnh đó, một số đại biểu nhận định, để phát triển nông nghiệp bền vững cần những giải pháp căn cơ và dài hạn, trong đó chú trọng đào tạo cho lao động nông nghiệp ở địa phương. Nêu thực tế tại vùng ĐBSCL khi quá trình chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã rút một lượng lớn lao động ra khỏi ngành này. Đây là điều bình thường, phù hợp với tiến trình phát triển nhưng hàng triệu lao động trở về từ vùng dịch đã cho thấy thực tế đáng buồn về thực trạng mất cân đối lao động hiện nay.

Ông NGUYỄN VĂN SÁU - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu hụt lực lượng lớn lao động có trình độ khoa học kỹ thuật. Khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về lập quy hoạch, tái cơ cấu nông nghiệp, yêu cầu rà soát từ khâu quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, chế biến, tiêu thụ để tăng giá trị hàng nông sản, ổn định đời sống của nhân dân. Đây thực sự là lực cản cho phát triển nông nghiệp hiện đại. Hiện đang tồn tại nghịch lý, đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm nông nghiệp nhưng tỷ lệ cán bộ khoa học kỹ thuật chiếm tỷ lệ rất thấp.”

Trong khi đó, Nghị quyết số 43 trong 5 nhóm giải pháp của Nghị quyết số 11 liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đề cập tới các hỗ trợ cho lĩnh vực này, tuy nhiên triển khai vẫn còn điểm nghẽn.

Ông TẠ MINH TÂM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: “Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2% trong 2 năm 2022-2023 đối với các khoản vay thương mại nêu tại điểm c, Mục 3, Phần 2 Nghị quyết số 11. Tuy nhiên, ở đây tôi xin nói thêm, để nhận được hỗ trợ này phải kèm theo tiêu chí có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi. Tôi cho rằng điểm này nếu không được quy định chi tiết, minh bạch, rõ ràng rất dễ biến thành điểm nghẽn trong việc tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ này. Mặt khác, thực tế số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng không nhiều, khoảng 0,9% tổng số doanh nghiệp, do vậy hỗ trợ này dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp theo tôi sức lan tỏa chưa nhiều”.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có các giải pháp mạnh mẽ tạo điều kiện để các gói hỗ trợ được hấp thụ nhanh vào nền kinh tế, đồng thời nghiên cứu, bổ sung các nội dung  nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thực thi Nghị quyết số 43, Nghị quyết số 11, cho rằng, các gói hỗ trợ nếu dùng không đúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với người dân.