Đại biểu Quốc hội: Không hoà giải với trường hợp bạo hành trẻ em

Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình được xem là một trong những hoạt động giúp nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, thực tế trong 15 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình lại cho thấy công tác hòa giải trong lĩnh vực này chưa phát huy hiệu quả. Vấn đề này nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Điều 21 dự thảo Luật quy định biện pháp hòa giải không chỉ được áp dụng đối với các tranh chấp, các mâu thuẫn trong gia đình như luật hiện hành, mà còn được áp dụng cả đối với các vụ việc bạo lực gia đình. Theo các đại biểu trong nhiều trường hợp việc bổ sung này là cần thiết, tuy nhiên, nếu tiến hành hòa giải đối với cả trường hợp bạo hành trẻ em thì chưa phù hợp.

Bà NGUYỄN THỊ THỦY - Đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Bắc Kạn: “Đây là những đối tượng đặc biệt cần phải có sự bảo vệ đặc biệt, đề nghị sửa lại quyết định này theo hướng, đối với trường hợp bạo hành trẻ em đến mức phải xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính cần áp dụng biện pháp tương xứng. Trường hợp chưa đến mức hình sự hoặc chưa đến mức hành chính thì cần phải áp dụng biện pháp góp ý, phê bình quy định tại Điều 23 của dự thảo luật do tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn chủ trì để kịp thời ngăn ngừa bạo lực trẻ em tiếp diễn mà không nên cho hòa giải đối với trường hợp này.”

Dự thảo luật đã đưa ra nguyên tắc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Theo đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai để việc xác minh, xử lý người có hành vi bạo lực gia đình không bị ảnh hưởng thì cần quy định rõ hơn mối quan hệ giữa hòa giải với việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. 

Bà ĐOÀN THỊ THANH MAI - Đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Hưng Yên: “Cần cân nhắc thời điểm tiến hành hòa giải có lẽ chỉ nên thực hiện. Một là hòa giải, ngăn ngừa bạo lực gia đình khi phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp mà chưa phát sinh hành vi bạo lực gia đình. Hai là hòa giải sau khi người có hành vi bạo lực gia đình đã bị xử lý theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tái diễn. Đối với trường hợp đã xảy ra hành vi bạo lực gia đình nhưng hành vi này chưa bị xử lý, đề nghị cân nhắc không áp dụng hòa giải để đảm bảo tính khách quan trong xử lý hành vi bạo lực gia đình”.

Cũng theo các đại biểu, việc quy định về nguyên tắc hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình phải dựa trên cơ sở giới, tôn trọng sự thỏa thuận tinh thần tự nguyện giữa hai bên. Nội dung của một số nguyên tắc cũng cần làm rõ hơn.

Bà TRẦN THỊ THU HẰNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: “Tại điểm d cần làm rõ hơn sự phù hợp với chính sách pháp luật của Nhà nước là phù hợp với quy định nào, luật nào. Đồng thời rà soát, đối chiếu các nguyên tắc này với quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn chồng chéo. Ví dụ cần quy định rõ không được tiến hành hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình khi các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Hòa giải ở cơ sở trường hợp không được phép hòa giải.”  

Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung các quy định đảm bảo việc hòa giải không bị lợi dụng để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về vi phạm hình sự.

Như Thảo