Đại diện Bộ tài chính nêu 3 trụ cột để chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính

Cũng trong sáng 17/11, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo: Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách Nhà nước năm 2022 với chủ đề “Thúc đẩy Chuyển đổi số và Hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính”

7 năm liên tiếp từ năm 2013 đến năm 2019, Bộ Tài chính liên tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Và đặc biệt, theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2020 và 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ nhất hai năm liên tiếp trong các bộ cung cấp dịch vụ công về mức độ chuyển đổi số. Kết quả này cho thấy, ngành Tài chính đang tiên phong, chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số.

Ông ĐỖ DANH THANH, Phó Tổng Giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam: “…Ngành tài chính là ngành dẫn đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Năng lực tiếp cận về kênh số của người Việt Nam đi rất nhanh. Ngành tài chính, họ nắm bắt cơ hội đó, tận dụng chuyển đổi số để đáp ứng được hai mục tiêu, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, của nhân viên trong công ty, tạo nên tiền đề để ngành tài chính chuyển đổi số thành công như ngày hôm nay…”

Để tiếp tục duy trì các thành tích đạt được và thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước, tới đây Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong tổ chức, vận hành, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường số để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mang lại sự hài lòng của người dân, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.

Ông NGUYỄN ĐẠI TRÍ, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính: “…Trước hết chuyển đổi số gắn liên với quy trình, nghiệp vụ, thay đổi phong cách làm việc, thay đổi quy trình thủ tục, vì vậy cần phải rà soát quy trình làm việc, làm sao để tối ưu, để phù hợp, để ứng dụng cho chuyển đổi số. Thứ hai, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc trao đổi, kết nối thông tin trong và ngoài ngành tài chính…”

Theo Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính, mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hệ sinh thái Tài chính số đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện. Tới năm 2030, thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh.

Quang Anh