• 5632 lượt xem
  • 20:10 03/05/2022
  • Văn hóa

Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam lý giải nguyên nhân giá sách giáo khoa tăng 200-300%

Giá sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông mới tăng từ 200% - 300% so với sách của chương trình hiện hành, dựa theo công bố cuối tuần qua của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Sách giáo khoa đều được in lần đầu, không có sách cũ từ nguồn mua giá rẻ hay quyên góp để hỗ trợ học sinh, đây là băn khoăn của rất nhiều phụ huynh.

Phóng viên: Cơ sở nào để Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xác định giá bán sách giáo khoa ở mức như công bố, thưa ông?

Ông NGUYỄN VĂN TÙNG - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Về cơ bản, giá sách giáo khoa mới được tính toán dựa trên các yếu tố chính sau đây: Số cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới, chi phí tổ chức bản thảo (gồm chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm…). Đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa được đầu tư công phu về công tác tổ chức bản thảo, đặc biệt trong biên soạn, biên tập, thiết kế chế bản và thực nghiệm. Khi có nhiều bộ sách giáo khoa cùng được xuất bản khiến cho số lượng bản SGK ở mỗi tên sách được phát hành sẽ ít hơn so với khi chỉ có một bộ sách giáo khoa, do đó chi phí tổ chức bản thảo phân bổ cho mỗi bản sách giáo khoa sẽ cao hơn so với sách giáo khoa hiện hành, chi phí vật tư, công in cao hơn.

Phóng viên: Giá sách giáo khoa luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Nhiều phụ huynh đang lo ngại khi thấy giá sách giáo khoa theo chương trình mới công bố cao hơn hẳn so với giá sách giáo khoa hiện hành, ông lý giải như thế nào?

Ông NGUYỄN VĂN TÙNG - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Giá bán sách giáo khoa mới được kê khai mới, không phải tăng giá. Việc tổ chức biên soạn, xuất bản sách giáo khoa được thực hiện bằng nguồn vốn do doanh nghiệp tự đầu tư, thu xếp và vay ngân hàng. Còn đối với sách giáo khoa hiện hành (cũ), toàn bộ chi phí tổ chức bản thảo được chi trả bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay Ngân hàng Thế giới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ đảm nhiệm chi trả các chi phí tổ chức bản thảo cho việc tái bản. 

Chi phí nhuận bút đối với  sách giáo khoa mới cao hơn so với sách giáo khoa hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để tìm kiếm và giữ chân các tác giả giỏi. Năm nay, thực hiện yêu cầu của Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị của Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chủ động xây dựng và kê khai giá theo nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm chi phí, xác định mức lợi nhuận hợp lý trong giá bán để tiếp tục giảm giá so với các năm trước. 

Phóng viên: Để hỗ trợ cho mọi học sinh có đủ sách giáo khoa đến trường, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có các chính sách hỗ trợ như thế nào, thưa ông ?

Ông NGUYỄN VĂN TÙNG - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Để hỗ trợ cho mọi học sinh có đủ sách giáo khoa đến trường, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các công tác xã hội như: Tặng sách giáo khoa cho học sinh các gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng tủ sách dùng chung, tổ chức mua sách giáo khoa cũ tặng cho thư viện các trường học thuộc địa bàn khó khăn; tổ chức phát động các phong trào quyên góp sách giáo khoa, khuyến khích học sinh giữ gìn, bảo quản và sử dụng lại sách giáo khoa.   

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Phan Hằng