Đắk Lắk: Cần ưu tiên giải quyết khiếu nại tố cáo từ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế, nâng cao trách nhiệm của cấp cơ sở trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo là yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk khi giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021 tại UBND huyện Krông Pắc.

Tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện Krông Pắc từ năm 2016-2021 so với cùng kỳ gia tăng. Huyện đã tiếp hơn 1.400 lượt công dân với trên 1.200 vụ việc; tiếp nhận: hơn 1.600 đơn khiếu nại, tố cáo. Chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, đến môi trường, chính sách xã hội, giải quyết việc làm của người lao động. Đoàn giám sát đề nghị, huyện cần quan tâm đến tồn tại hạn chế trong ban hành, thực hiện các văn bản pháp luật liên quan; rà soát giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người.

Ông LƯU VĂN ĐỨC, Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Tôi đặt vấn đề là với trách nhiệm quản lý người dân thì công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành trong việc khiếu nại tố cáo như thế nào để một số vụ việc kéo dài bao nhiêu năm nay?

Bà PHẠM THỊ PHƯƠNG HOA, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Đắk Lắk: Việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo đã có hiệu lực ở một số nơi còn chậm, vấn đề này tồn tại ở huyện Krông Pắc và nhiều nơi. Vì vậy huyện phải có giải pháp để các quyết định này được thi hành ngay.

Trong thời gian tới, đoàn giám sát đề nghị Uỷ ban Nhân dân huyện, các xã tăng cường tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là ở cấp cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế tình trạng gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, gửi đến nhiều cơ quan, đơn vị. Phối hợp tốt trong giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là vụ việc phức tạp đảm bảo chặt chẽ, có sự trao đổi và thống nhất để giải quyết dứt điểm các vụ việc./.

Đức Hưng