Đắk Lắk: Cần ưu tiên phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn

Nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, tỉnh Đắk Lắk cần nghiên cứu hoàn thiện nhiều giải pháp ưu tiên phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk với chủ lực là cây cà phê đã phát triển thành ngành công nghiệp sản xuất chế biến cà phê hàng đầu cả nước.

Đến nay tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 300 doanh nghiệp lớn nhỏ đầu tư vào lĩnh vực chế biến xuất khẩu cà phê với tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân hằng năm hơn 300.000 tấn, đạt trên 650 triệu USD. Mặc dù được biết đến là tỉnh có sản lượng cà phê chiếm 1/3 toàn quốc, song thương hiệu cà phê thành phẩm của Đắk Lắk thì chưa có được nhiều vị trí nổi bật. Lý do chính là vì chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, chính sách hỗ trợ kiểm soát thị trường, nguồn nhân công ổn định để người dân yên tâm sản xuất ra hạt cà phê đạt chất lượng đồng đều và đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk còn có rất nhiều thế mạnh khác như du lịch, năng lượng tái tạo, logicstic,…Tuy nhiên để những tiềm năng này được phát triển mạnh mẽ thì cũng cần hoàn thiện nhiều chính sách về quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông cũng như có những quy hoạch vùng chặt chẽ tránh những hệ luỵ phát sinh trong quá trình triển khai.

Trong thời gian tới khi TP.Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung được thí điểm cơ chế đặc thù trong vòng 5 năm kể từ ngày 01/01/2023, hy vọng rằng với nguồn vốn chi ngân sách được tăng mạnh gần 40%, Chính phủ và các cơ quan hữu quan sẽ chú trọng nghiên cứu bổ sung các cơ chế đặc thù trong đó chú trọng các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương như thí điểm các chính sách phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cây cà phê, ưu tiên phân bổ ngân sách trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, lĩnh vực văn hóa, du lịch nhằm tạo đà phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững cho tỉnh Đắk Lắk.

Ngọc Duy