Đắk Lắk có nguy cơ tái nghèo vì chuẩn nghèo đa chiều

Cùng với cả nước, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 theo Nghị định 07 ngày 27/1/2021 của Chính phủ được 1 năm. Tuy nhiên, chính sách mới đã phần nào tác động đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, đặt ra nhiều thách thức khi tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo sẽ tăng cao ở các vùng khó khăn.

Gia đình anh Y Duen Hra , xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã được lập hồ sơ thoát nghèo năm 2021, thế nhưng năm nay, với chuẩn nghèo mới, gia đình anh lại có nguy cơ tái nghèo. Thực tế qua rà soát, gia đình anh Y Duen cũng như nhiều hộ dân khác đều tái nghèo, chưa đáp ứng được tiêu chí thu nhập, việc làm, thiếu đất sản xuất và nhà ở kiên cố.

Anh Y DUEN HRA - xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk: “Mình quay về từ Bình Dương thì bị thất nghiệp, không có đất đai nên lúc đi làm thuê, lúc không có việc. Mình muốn thoát nghèo mà gia đình khó khăn nhiều quá, không thoát nghèo được”.

Ông Y NGUN ÊNUÔL - xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk: “Gia đình tôi có 5 người theo tiêu chuẩn của Nhà nước, mỗi tháng gia đình phải kiếm được 7,5 triệu đồng mới thoát nghèo mà giờ không thể kiếm được 7,5 triệu đồng”.

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí về thu nhập, khu vực nông thôn nâng từ mức 700 ngàn đồng lên mức 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị từ 900 ngàn đồng lên 2 triệu đồng/người/tháng. Việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản tăng từ 5 chiều - 6 chiều, vì được bổ sung dịch vụ việc làm. Thực tế, khi áp dụng mức chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo sẽ tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba. Điều này khiến các địa phương gia tăng áp lực trong cải thiện những thiếu hụt cho người dân và tác động đến tiến độ về đích nông thôn mới. 

Ông Y TOEN NIÊ KĐĂM - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk: “Thứ nhất là đất đai xấu, không màu mỡ. Thứ 2 là người dân sản xuất nông nghiệp cây ngắn ngày là chính. Thứ 3 là thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng đến mùa màng của bà con nên dẫn đến thu nhập thấp”.

Ông NGUYỄN HOÀI DƯƠNG -Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk: “Theo sự phát triển chung của xã hội thì các tiêu chuẩn đánh giá đời sống người dân tăng lên, đây là việc chúng ta phải xác định từ trước. Trong các chương trình giải pháp cũng đã đề ra ở mỗi lĩnh vực, đặc biệt là làm sao nâng cao thu nhập của người dân một cách ổn định, bền vững, đây là nền tảng quan trọng để đạt được các tiêu chí”.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều của Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội, 5 địa phương có số hộ nghèo cao nhất cả nước là: Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An và Đắk Lắk. Riêng Đắk Lắk hiện có hơn 31.500 hộ nghèo và gần 35.000 hộ cận nghèo. Việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới sẽ khiến cho nhiêu hộ khó có cơ hội thoát nghèo bền vững. Đây là thử thách lớn cho địa phương để đạt được mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn mới.

Kim Liên