Liên quan đến vụ phá rừng quy mô lớn vừa được phát hiện tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, qua mở rộng khám nghiệm hiện trường, ngành chức năng đã xác định hơn 382 ha rừng bị phá.
Đắk Lắk: Phát hiện gần 100ha rừng bị phá
Xác minh, mở rộng hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện, hơn 382 ha rừng có cây bị chặt phá, rải rác thuộc các tiểu khu 205, 202 thuộc xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp quản lý, bảo vệ. Khu rừng bị phá cách trung tâm xã hơn 16 km. Thời gian xảy ra khoảng cuối tháng 3/2022.
Ông ĐẶNG CÔNG TẠO, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp: “Nguyên nhân diện tích bị phá là rừng nghèo kiệt, đối tượng phá rừng không lấy lâm sản mà lấy đất sản xuất.”
Do vụ phá rừng có quy mô lớn, tính chất, mức độ phức tạp nên tỉnh Đắk Lắk và các ngành liên quan đã khẩn trương kiểm tra, khám nghiệm hiện trường. Hiện Công an tỉnh đã vào cuộc điều tra củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc và sẽ khởi tố vụ án.
Ông Y GIANG GRY NIÊ KNƠNG, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk: “Ủy ban nhân dân tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, lực lượng chức năng phối hợp Kiểm lâm vùng 4, chính quyền địa phương cấp xã, huyện khẩn trương kiểm tra, đo đếm diện tích rừng bị tác động, tính toán trữ lượng, mức độ ảnh hưởng, tài nguyên rừng, giá trị… làm căn cứ để xử lý nghiêm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.”
Luật sư TẠ QUANG TÒNG, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk: “Về điều 243 về huỷ hoại rừng, có 5 khung, trong đó 3 khung xử lý về hình sự. Khung 1 là phạt tiền 30 triệu đồng- dưới 100 triệu đồng, phạt cái tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Khung 2 là 2-7 năm. Khung 3 là 7-15 năm. Với số lượng phá hoại lớn như vậy thì sẽ áp dụng khung 3. Ngoài ra còn quy định tái khoản 4 về phạt tiền áp dụng như một hình phạt chính và hình phạt bổ sung.”
Trước đây, khu rừng này, huyện Ea Súp giao cho các nhóm hộ xã Ya Tờ Mốt quản lý, sử dụng ổn định vào mục đích lâm nghiệp với trên 900 ha. Do không hiệu quả, năm 2020, huyện Ea Súp thu hồi và giao xã Ya Tờ Mốt quản lý. Hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đất Vàng Ban Mê đang xin chủ trương khảo sát để lập dự án trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, trồng cây ăn trái, cây công nghiệp tại các Tiểu khu 202, 205, 218./.