• 1265 lượt xem
  • 02:21 24/07/2022
  • Xã hội

Đắk Lắk: Giấc mộng“việc nhẹ lương cao” thành ác mộng mất tiền, bị đánh

Tại Đắk Lắk, bị dụ dỗ sang Campuchia làm việc với mức lương cao, nhiều thanh thiếu niên nhẹ dạ đã đi theo để rồi vỡ mộng. Có nạn nhân bị đánh đập, đành chấp nhận trả tiền chuộc hàng trăm triệu đồng để trở về với gia đình.

Hơn 160 triệu đồng là số tiền mà gia đình phải vay mượn để 2 lần chuộc Nam, 17 tuổi, ở huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk từ Campuchia. Trở về với những vết thương bị đánh đập, chích điện, Nam vẫn chưa hết hoang mang. Trước đó, tháng 6 vừa qua, Nam bị rủ rê qua mạng để sang Campuchia làm việc.

Em PHẠM HOÀI NAM, Xã EaTar, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk: “Em phải lập zalo, facebook, tạo tài khoản là con gái để nhắn tin cho người Việt ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…. Đến lúc thích hợp thì đưa khách hàng vào app. Do nó giao chỉ tiêu cao, em không làm được nên nó lợi dụng và hành hạ em, dí điện, bỏ đói.” 

Còn Thắng, 29 tuổi, giữa tháng 5 vừa qua, cũng vì nghe lời dụ dỗ qua facebook đi làm việc tại công ty game với mức lương hấp dẫn 800$/tháng ở Campuchia. Thắng phải dụ dỗ khách hàng nộp tiền qua các ứng dụng. Chỉ tiêu khoảng 1000$/tháng. Do không đạt yêu cầu, Thắng không được nhận lương. Để trở về Việt Nam, Thắng mất hơn 110 triệu cả tiền chuộc lẫn tiền xe.

Anh BÙI TẤN THẮNG, Xã EaTar, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk: “Nó nhắn tin cho em 3-4 tháng để lừa em qua bên đó để làm công ty game, em không biết, làm cho app sập. Quá trình làm việc từ 12-14 tiếng/ngày, không có khách thì phải tăng ca tới 2h sáng, vì thấy không được nên em xin tiền gia đình chuộc về.” 

Theo điều tra của cơ quan chức năng, việc lừa đảo đưa người sang Campuchia làm việc chui, không có hợp đồng đang diễn biến phức tạp. Đối tượng thông qua các tài khoản facebook tiếp cận, nhắm vào số thanh niên không có việc làm, nhẹ dạ. Khi về nước lại không dám tố giác với cơ quan chức năng vì chính các nạn nhân cũng tham gia vượt biên trái phép.

Thiếu tá PHẠM VĂN THÁNG, Trưởng Công an xã EaTar, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk: “Chúng tôi phối hợp với các cơ quan cấp trên để tuyên truyền cho nhân dân, đồng bào về các thủ đoạn hoạt động của các công ty, cũng như các đối tượng lừa đảo này. Đồng thời, tham mưu với địa phương hướng nghiệp cho trường hợp bị lừa vừa qua, và các thanh niên, thiếu niên trên địa bàn.” 

Từ giấc mộng đổi đời đã trở thành vỡ mộng vì nhiều người bị lừa, bị đánh đập và lâm vào cảnh nợ nần. Hiện còn nhiều nạn nhân ở nhiều địa phương vẫn mắc kẹt ở Campuchia chưa thể trở về vì người thân chưa có tiền chuộc.

Đức Hưng