Sau gần 10 năm thực hiện, với phương châm “lấy rừng, nuôi rừng, người làm nghề từng sống được từ chính nghề rừng”, công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Đắk Lắk đã phát huy hiệu quả khi tạo ra một nguồn tài chính ổn định, công tác quản lý bảo vệ rừng được nâng lên, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, nhất là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Nhóm hộ của anh Y Chăm nhận khoán hơn 250ha rừng từ Vườn Quốc gia Chư Yang Sin nhiều năm nay. Mỗi năm, từng hộ sẽ nhận từ 8 đến 10 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Với anh Y Chăm và bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại đây, việc nhận khoán rừng đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, có nguồn thu nhập ổn định từ rừng.
Anh Y Chăm Bkrông - Buôn Yă, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk: “Bên trạm kiểm lâm gọi lúc nào là chúng tôi đi tuần tra, tháng nào gọi cũng đi. Giờ nhà tôi tự tham gia bảo vệ rừng nên khá, có tiền sắm đồ trong nhà, xưa thì phải đi làm thuê nên cũng cực khổ quá”
Không chỉ người dân được hưởng lợi, tiền dịch vụ môi trường rừng cũng giúp giải quyết phần nào khó khăn về kinh phí hoạt động cho các chủ rừng, huy động được nguồn nhân lực lớn để tuần tra bảo vệ rừng. Quản lý hơn 59.000 ha rừng, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đang triển khai giao khoán bảo vệ rừng cho 76 nhóm hộ với hơn 1.475 hộ dân trên diện tích hơn 40.000 ha. .
Ông Lộc Xuân Nghĩa - Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk: “Công tác bảo vệ rừng có sự tham gia của người dân, người dân thường xuyên có thông tin và sự trao đổi thông tin và có tố giác về hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp về diện tích họ nhận khoán cũng như diện tích của VQG quản lý”
Tại Đắk Lắk, chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai thực hiện từ năm 2012. Sau gần 10 năm, công tác quỹ bảo vệ phát triển rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng đã phát huy hiệu quả về kinh tế, môi trường, việc quản lý bảo vệ rừng được nâng lên. Đến nay, đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ hơn 217.000 ha rừng của 166 chủ rừng và UBND cấp xã. Đặc biệt là sau khi Luật Lâm nghiệp được Quốc hội ban hành có hiệu lực từ 01/01/2019, công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng được thể chế hóa trong luật, với nhiều quy định chặt chẽ, rõ ràng, tạo hành lang pháp lý để thực hiện hiệu quả.
Ông Trần Quang Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk: “Bà con hưởng lợi cũng góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ổn định. Bà con tham gia bảo vệ rất tốt. Ngay từ đầu năm, UBND xã cũng xây dựng kế hoạch phòng chống cháy rừng và kế hoạch để bà con tuần tra, bảo vệ rừng mà mình quản lý”
Ông Nguyễn Minh Chí - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk: “Sắp tới, Quỹ sẽ mở rộng nguồn thu để nâng cao tiền thu từ DVMTR để người dân được hưởng kinh phí cao hơn, bà con có trách nhiệm hơn và cải thiện đời sống ổn định hơn khi nhận rừng, sống và gắn bó với nghề rừng, bảo vệ rừng tốt hơn”
Giai đoạn 2012-2021, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Đắk Lắk đạt hơn 610 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021 đạt hơn 88,8 tỷ đồng, vượt 12,7% so với kế hoạch. Đây là nguồn tài chính ổn định, bền vững, đóng góp quan trọng để nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, góp phần lớn trong việc cải thiện đời sống người làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.