Đắk Lắk: Huyện nghèo trông chờ bác sĩ trẻ

Trong bối cảnh hiện nay, ngành Y tế đặc biệt là tuyến y tế cấp cơ sở đang cần nhiều hơn nữa những chế độ chính sách mang tính đặc thù nhằm thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế dự phòng. Ghi nhận của phóng viên THQHVN tại tuyến y tế huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.

Với đặc thù là vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, địa bàn rộng dân cư lại phân bổ không đồng đều như huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk thì việc ưu tiên đầu tư cho tuyến y tế cấp xã nhằm chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và giảm tải bệnh nhân chuyển lên tuyến trên là đặc biệt quan trọng.


Mặc dù các trạm y tế cấp xã là đơn vị chủ chốt tiên phong trong lĩnh vực y tế, tuy nhiên sau năm 2019 với việc thực hiện các Thông tư 37 và Thông tư 07 của Bộ Y tế về vấn đề sáp nhập các trung tâm y tế đa chức năng thì tuyến y tế cơ sở đặc biệt là cấp xã phải bao gồm nhiều chức năng nhiệm vụ như khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số kế hoạch hoá gia đình, các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế… Điều này góp phần tạo nên sự quá tải cho đội ngũ nhân viên y tế cấp cơ sở đồng thời bộc lộ nhiều hạn chế về nhân lực cũng như chất lượng khám chữa bệnh.

Trong tình hình chung hiện nay việc cấp thiết để thu hút nhân lực ngành y tế là phải vận dụng hiệu quả Đề án 585 của Bộ Y tế về phát triển đội ngũ y bác sĩ trẻ cho các huyện nghèo. Trong đó ngoài việc đào tạo Bác sĩ Chuyên khoa 1 thì có thể đào tạo liên thông các Y sĩ người đồng bào dân tộc thiểu số, có ngôn ngữ đồng nhất và thấu hiểu phong tục tập quán của từng cộng đồng người dân tộc, qua đó tận dụng được nguồn nhân lực tại địa phương, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tại cấp cơ sở.

Ngọc Duy