Đắk Nông: Nơi cứ 5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo

Cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Huyện ủy Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã triển khai mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo”. Bằng những hình thức giúp đỡ đa dạng, với từng hoàn cảnh cụ thể, áp dụng phương pháp cho cần câu không cho con cá, các đảng viên đã sát cánh cùng các hộ nghèo trên con đường vượt khó.

Mấy tháng nay, chiếc máy phát cỏ trở thành người bạn đồng hành với anh Điểu N’Thét, trên nhiều vườn rẫy của huyện Đăk Song. Những ngày có công việc, người đàn ông M’Nông ở Bon N’Jrang Lu, xã Đăk N’Drung đã kiếm được 350.000đ - 400.000đ từ công việc cắt cỏ thuê và hơn rất nhiều những ngày chỉ biết đi đánh lươn, bắt cá trước đây. Chiếc máy phát cỏ trị giá gần 5 triệu đồng là món quà anh N’Thét nhận được từ nhóm đảng viên số 9 thuộc Đảng bộ Quân sự huyện Đăk Song gửi tặng.

Anh ĐIỂU N’THÉT - Xã Đăk N’Drung, huyện Đăk Song, Đăk Nông: “Tôi cảm ơn các anh bộ đội đã tặng cho tôi máy phát cỏ, đây là mong ước của tôi từ lâu nhưng gia đình không có điều kiện mà sắm. Nay được các anh bộ đội tặng cho tôi rất vui sướng và không biết nói gì hơn nữa.”

Niềm vui của anh N’Thét cũng là niềm vui chung của rất nhiều hộ nghèo khác trong Bon kể từ khi Đảng uỷ Quân sự huyện Đăk Song triển khai mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo” từ tháng 5 năm 2020. Bon N’Jrang Lu được chọn để triển khai mô hình trong năm 2021 bởi đây là Bon có tỷ lệ người dân tộc thiểu số tại chỗ cao, hơn 70% trong tổng số gần 1.000 khẩu. Bon cũng còn số hộ nghèo, cận nghèo tương đối lớn với 31 hộ. Vì thế, việc đảng viên quân đội tình nguyện hỗ trợ người dân, với mục tiêu giúp 9 hộ thoát nghèo trong năm cũng là cách gián tiếp giúp xã Đăk N’Drung sớm hoàn thành tiêu chí về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Bà THỊ RƠI - Bí thư chi bộ Bon N’Jrang Lu, xã Đăk N’Drung, huyện Đăk Song, Đăk Nông: “Chúng tôi phải đi thực tế, họ nghèo, nghèo về vấn đề gì chúng tôi cũng phải khảo sát rồi sau đó mới hỏi tâm tư nguyện vọng của hộ gia đình, muốn thoát nghèo họ cần những vấn đề gì để mà đơn vị hoặc đảng viên giúp đỡ rồi sau đó chúng tôi mới đưa ra phương án, kế hoạch cụ thể để giúp họ thoát nghèo”

Cái khác ở ‘mô hình 5+1” là hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế chỉ là bước đầu. Trong suốt 1 năm tiếp theo, các thành viên trong nhóm đảng viên luân phiên đồng hành cùng người dân để động viên tinh thần, hướng dẫn cách sản xuất, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn gia đình gặp phải, từ đó bổ sung giải pháp hỗ trợ tiếp theo. Việc giúp dân thoát nghèo thông qua phương pháp “trao cần câu, không cho con cá” đã dần cho thấy tính hiệu quả cao

Thượng tá HỒ VĂN TRUNG - Chính trị viên BCHQS huyện Đăk Song, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đăk Nông - Trưởng nhóm đảng viên số 1: “Để thoát nghèo bền vững quá trình giúp đỡ chúng tôi có lực lượng thường xuyên theo dõi, giúp đỡ mọi mặt trong đó có giám sát thực hiện chương trình chúng tôi giúp đỡ để xác đinh rằng cho cần câu cơm chứ không cho con cá, xác định giúp xong mà không hỗ trọ thì cũng không hiệu quả nên trên cơ sở đó chúng tôi còn hỗ trợ những nguồn lực khác để phù hợp với điều kiện mà người ta thoát nghèo.”

Hoạt động của mô hình 5+1 rất đa dạng, từ giúp ngày công và vật liệu để tu sửa nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, tặng vật tư nông nghiệp, nông cụ sản xuất… Những ủng hộ, giúp đỡ đó do các nhóm đảng viên thống nhất về số tiền quyên góp, phương pháp và cách thức thực hiện, đồng thời trực tiếp tham gia đóng góp ngày công để hoàn thiện công trình. Những ngày nghỉ cuối tuần, nơi Bon nghèo vì thế thêm rộn ràng bởi màu áo xanh người lính. Họ không phân biệt cán bộ hay chiến sĩ mà mỗi người một việc, tất cả đều nỗ lực để phần việc mình giúp đỡ thêm nhiều hơn, hoàn thiện hơn.

Ông K’ THANH - Bí thư Huyện ủy, Bí thư ĐUQS huyện Đăk Song, Đăk Nông: “Để giúp hộ nghèo trên phạm vi toàn huyện nói chung trong đo đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao thì vai trò trách nhiệm của lực lượng vũ trang đặc biệt là cán bộ đảng viên trong lực lượng vũ trang thời gian qua rất có trách nhiệm và luôn luôn sẵn sàng đóng góp công sức của mình giúp các hộ thoát nghèo theo mô hình 5 đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo.”

Chặng đường đi của “mô hình 5+1” ở Bon N’Jrang Lu mới chỉ bắt đầu. Nhưng tin tưởng với cái tâm, cùng tình cảm trao gửi của người lính trong từng việc làm, bước đi cụ thể, hộ nghèo nơi đây sẽ nắm bắt được cơ hội từ những chiếc “cần câu” được trao tặng, để cộng hưởng với nội lực của bản thân, gia đình không chỉ thoát nghèo, mà còn thoát nghèo bền vững.

Phúc Hân