Đắk Nông: Trường học khang trang nhưng “đắp chiếu” nhiều năm

Trong khi nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông còn phải học trong những ngôi trường xuống cấp, phòng học tạm, thì tại huyện Cư Jút có đến hai trường cấp ba được đầu tư khang trang nhưng lại bỏ không.

Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2, ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút đưa vào hoạt động năm 2009 do Sở GDĐT tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư. Ngôi trường này được đầu tư khá khang trang, đầy đủ trang thiết bị với vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng. Mặc dù cách UBND xã Tâm Thắng chưa đầy 1km nhưng khu vực trường học khá hẻo lánh, xung quanh không có dân cư sinh sống. Hiện một số hạng mục đang dần xuống cấp, hư hỏng, xung quanh cỏ mọc um tùm.

Ông VŨ THẾ TRINH
Bảo vệ Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông
“Tôi làm bảo vệ ở đây thì ban ngày tôi đi làm quanh trường, ban đêm thì phải bật tất cả các bóng điện bảo vệ để phòng người lạ hoặc đối tượng nghiện ngập vào trường. Ngoài tôi ra lâu lắm rồi không có người lui tới”.

Chỉ sau vài buổi học với rất ít học sinh Trường THPT Đắk Wil cũng cùng chung số phận như Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2. Ngôi trường với tổng số vốn đầu tư gần 12 tỉ đồng này cũng bị bỏ không.

Ông PHẠM HUY THÌ
Xã Đắk Wil, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông
“Ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số lại nghèo nữa. Chúng tôi chỉ mong có trường học để cho các cháu đến trường. Đã xây lên thì không chỉ ngày một ngày hai mà  cho muôn đời sau, không có trường học, không có đường giao thông thì không phát triển được. Hiện tại nói chuyển nhưng cấp 3 hay cấp 2 hay mẫu giáo cũng được nhưng đến giờ vẫn chưa thấy đâu”.

Ngày 6/5/2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định chuyển tài sản công thuộc Trường THPT xã Đắk Wil về Trường mẫu giáo Đắk Wil quản lý, sử dụng. Nhưng để một trường cấp 3 phù hợp với công năng của các lớp mẫu giáo cũng cần phí đầu tư cải tạo là 3,5 tỷ đồng.

Ông NGUYỄN VĂN TOÀN
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông
“Quan điểm của chúng tôi là do sát nhập, yếu tố khách quan đó thì phải tìm giải pháp để xử lý tài sản dôi dư một cách có hiệu quả nhất và tốt nhất. Trong thời gian chờ Sở Tài chính tham mưu với Ủy ban chúng tôi cũng phải bảo quản và giữ gìn tài sản đó thôi”.

Đầu tư cho giáo dục luôn được nhiều tỉnh, thành đặc biệt quan tâm, tuy nhiên, nhiều công trình "đắp chiếu" không hiệu quả, lại gây lãng phí tài sản công. Qua thực tế cho thấy, cần phải làm tốt hơn công tác dự báo giáo dục như dự báo số học sinh đến trường và khảo sát xây dựng trường ở địa điểm phù hợp.
 

Phúc Hân