Đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán

Tết cổ truyền Nhâm Dần đang đến gần, ngoài việc đảm bảo sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng về nông sản và nguồn cung thực phẩm chất lượng trong dịp tết thì việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân cũng là vấn đề quan trọng.

Dịp tết cũng là thời điểm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. Nhu cầu tiêu thụ càng cao kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Chị NGUYỄN THỊ HỒNG DUYÊN, Quận Đống Đa, TP Hà Nội: "Gần đây, tôi thấy trên thị trường có các vụ việc buôn bán hàng giả, hàng nhái bị các cơ quan chức năng bắt giữ. Vì vậy, bản thân tôi cũng lo lắng là tết này tôi sẽ mua phải hàng giả, hàng nhái, có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của cả nhà”.

Ông NGUYỄN QUANG HẢI, Quận Long Biên, thành phố Hà Nội: "Giờ hàng giả, hàng kém chất lượng rồi mất vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều lắm. với gia đình tôi việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là cần thiết, Gia đình tôi chỉ mua thực phẩm ở cơ sở đạt điều kiện, tuyệt đối không mua, sử dụng những loại thực phẩm ghi ngờ về nguồn gốc”.

Liên tiếp những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chức từ đã được các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua. Lực lượng liên ngành 389 đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó cũng phát hiện nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Ông LÊ THANH HẢI, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia: "Kế hoạch này chúng tôi đưa ra rất rõ về mục tiêu, lợi ích, yêu cầu, phân công rõ lực lượng chức năng ai làm gì ở đâu. Nhưng năm, nay đặc biệt hơn so với các năm chúng tôi chỉ rõ địa bàn trọng điểm, những tuyến đường mặt hàng cần phải quan tâm. Lĩnh vực nữa cân tuyên truyền để cho người tiêu dùng tự nhận biết 1 phần đâu là những mặt hàng buôn lậu, đâu là mặt hàng gian lận thương mại để chúng ta không sử dụng.”

Ông VŨ VĂN TRUNG, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: "Nhu cầu mua sắm trong dịp Tết là rất lớn, một trong những dịp mua bán lớn nhất về những mặt hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm, quà tặng… Người tiêu dùng hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn cho chính xác và có thể thông qua những hình thức khác nhau để mua được hàng chất lượng, làm sao để chúng ta có một dịp vui xuân đầm ấm, vui vẻ”.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm, từ nay cho đến tết Nguyên đán và các lễ hội xuân, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân./.
 

Đức Minh