Chính sách khoán bảo vệ rừng phải nhất quán, công bằng, đảm bảo cuộc sống người dân

Cần đảm bảo cách tiếp cận đúng và công bằng trong chính sách khoán bảo vệ rừng cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề được đề cập trong phiên họp của Hội đồng Dân tộc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn diễn ra vào chiều nay. Buổi làm việc nằm trong chương trình giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc trong giai đoạn 2016-2021.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết việc chi trả dịch vụ môi trường rừng chủ yếu là cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bình quân mỗi năm thu được khoảng 1957 tỷ đồng. Chính sách này đã thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác như du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, phát triẻn dược liệu, xây dựng mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững,... cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

Bà VŨ THỊ LÊ LƯƠNG, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế hoạch, Tổng cục Lâm nghiệp: Các định mức về bảo vệ rừng có tăng theo thời gian, trước đây 661 thì 50 nghìn đồng/ha, chương trình phát triển rừng bền vững là 100 nghìn đồng/ha, đối với đồng bào dân tộc thiểu số năm 2017 Chính phủ đã ban hành nghị định 75 mức khoán cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng lên 400 nghìn đồng/ha, Nghị định 75 cũng quy định có hỗ trợ gạo vào mùa giáp hạt nhưng cũng là hỗ trợ có điều kiện.

Về phía Đoàn giám sát, các đại biểu đang rất băn khoăn về chính sách này, trước kia trong chương trình bảo vệ rừng theo quyết định 661 có ngân sách chi sự nghiệp cho tiền khoán bảo vệ rừng nhưng hiện nay chuyển sang nguồn từ dịch vụ môi trường rừng nên tuỳ từng tỉnh mà khoản chi trả khoản này khác nhau, nơi có nơi không, nơi chi nhiều nơi chi ít.

Ông NGUYỄN LÂM THÀNH, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Như vậy chính sách của chúng ta đã nhất quán chưa, và ngay cả dịch vụ môi trường rừng là phần tăng thêm của bà con chứ tại sao lại coi như đó là phần cơ bản, chúng ta đang muốn là người ta sống được vào nghề rừng thì phải tạo thu nhập cho người ta, tôi cho như thế là tiếp cận không đúng, phải xem là phần tăng thêm, mà tăng thêm có được bao nhiêu đâu, có nơi chỉ có 6.000 thôi, Hà Nội 50.000 một bát phở, mà họ chỉ có 6000 đ/ha/năm mà mỗi nhà chỉ được mấy hecta, người ta sẽ sống bằng gì. Đó là câu chuyện chính sách cần phải tính.

Chính sách ổn định dân cư vùng Tây Nguyên, vấn đề tái định cư cho vùng dân tộc thiểu số, mở rộng phát triển thị trường cho các sản phẩm Ocop cũng là những nội dung được các đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tính toán để có chính sách cụ thể, phù hợp cho địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
 

Vũ Hiếu