Yêu cầu tăng công suất và đảm bảo vật liệu phục vụ làm đường Vành đai 3, 4

Trước thực trạng các dự án thành phần đường cao tốc có nguy cơ thiếu nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án và nhu cầu sử dụng san lấp mặt bằng rất lớn, trong phiên thảo luận tại hội trường về đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP.HCM, các ý kiến đều tán thành với việc cho phép tăng công suất khai thác vật liệu, tuy nhiên cũng đề cần đánh giá kỹ tác động của đề xuất này.

Liên quan đến vấn đề về báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với việc tăng công suất khai thác các vật liệu làm khoáng sản, làm vật liệu xây dựng thông thường lên 50%, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị cần đánh giá kỹ tác động của quy định này.

Ông NGUYỄN HẢI ANH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Tại tờ trình, đối với dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có thêm nội dung các mỏ khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường cho dự án đã cấp phép đang hoạt động còn thời hạn khai thác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác, không cần phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường. Nhưng đối với dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội không có nội dung này. Đề nghị làm rõ lý do tại sao không được áp dụng. Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết và đánh giá tác động của các đề xuất này để không ảnh hưởng đến môi trường, nhất là vấn đề sạt lở bờ sông của khu vực phía Nam, nhiều sông rạch hay kể cả tác động đến môi trường của hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ dự án.”

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư: “Về việc nâng công suất lên 50% đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tại sao chúng ta không đề xuất là phải báo cáo lại đánh giá tác động môi trường? Bởi vì thiết kế quy định là tổng công suất của cả dự án đó không thay đổi, được phép bao nhiêu thì tổng đó chỉ là bấy nhiêu. Ở đây có điều chỉnh là điều chỉnh công suất hàng năm để tăng công suất của những năm đầu lên để phục vụ cho thi công, còn tổng của giấy phép được khai thác không thay đổi.”

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bố nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tỏa và làm rõ giải pháp kịp thời, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng của hai dự án này.