Đàm phán Nga - Ukraine có tiến triển tích cực

Đàm phán giữa Nga và Ukraine sẽ được nối lại vào ngày hôm 15/3. Cả 2 bên đều đánh giá có tiến triển trong đối thoại. Thông tin tích cực được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang theo dõi sát tiến trình đàm phán Nga – Ukraine, đồng thời cũng hỗ trợ cho tiến trình này.

Vòng đàm phán thứ 4 với Nga hôm qua, theo hình thức trực tuyến, đã tạm dừng kỹ thuật để “các phân nhóm công tác làm việc thêm và để làm rõ các định nghĩa nhất định”. Hôm nay các cuộc đàm phán sẽ được nối lại và tiến trình đàm phán đang được nhiều bên hỗ trợ.

Tổng thống Ukraine VOLODIMIR ZELENSKY: “Tôi đã nói chuyện với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel. Chúng tôi có 100% sự hiểu biết lẫn nhau. Cuộc trò chuyện với Thủ tướng Israel Bennett cũng rất quan trọng. Đây là một phần của những nỗ lực đàm phán nhằm kết thúc cuộc xung đột này càng sớm càng tốt. Với một nền hòa bình công bằng. Phái đoàn của chúng tôi cũng đã làm việc về vấn đề này trong các cuộc đàm phán với bên Nga. Như tôi được báo cáo, mọi thứ khá tốt.”

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng khẳng định đã có một số tiến triển trong các cuộc đàm phán với Ukraine. Mặc dù không tiết lộ chi tiết, nhưng theo ông Putin đàm phán sẽ tiếp tục trên cơ sở thực tế hàng ngày.

Thế giới đang theo dõi sát tiến trình đàm phán Nga - Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hoan nghênh các cuộc đàm phán giữa giới chức Ukraine và Nga cũng như những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột giữa hai bên. 

Thủ tướng Đức OLAF SCHOLZ: “Chúng tôi hoàn toàn nhất trí rằng phải có một lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt. Phải có hành lang an toàn cho dân thường sơ tán khỏi những nơi có nguy cơ rủi ro cao mà không gặp bất cứ nguy hiểm nào. Điều này cần phải được thực hiện ngay lập tức. Chỉ có một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine”.

Những thông tin tích cực về đàm phán Nga, Ukraine đã ngay lập tức tác động tới thị trường năng lượng. Giá dầu thế giới giảm 8%, xuống mức thấp nhất trong hai tuần qua. Dù vậy theo giới phân tích, tình hình vẫn có thể leo thang, nếu tiến trình đàm phán chững lại và không sớm đạt được kết quả cụ thể nào.

MỸ, TRUNG QUỐC TRAO ĐỔI VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG Ở UKRAINE

Đại diện Mỹ và Trung Quốc vừa có cuộc hội đàm tại Rome, Italia. Chủ đề xung quanh xung đột hiện nay tại Ukraine. 

Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết hai bên đã có cuộc hội đàm quan trọng và thẳng thắn, trong đó nhất trí "tầm quan trọng của việc duy trì các đường liên lạc mở giữa Mỹ và Trung Quốc". Tại cuộc gặp, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nêu quan ngại về liên hệ giữa Nga và Trung Quốc trong vấn đề Ukraine. Đây cũng là vấn đề được truyền thông phương Tây đề cập những ngày gần đây, song cả Nga và Trung Quốc đều phủ nhận thông tin này. 

THẾ GIỚI TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ UKRAINE

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đang tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Trong đó, Ngân hàng Thế giới vừa phê duyệt khoản hỗ trợ bổ sung, trị giá 200 triệu USD, nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương tại khu vực chiến sự. 

Theo Ngân hàng thế giới, nhu cầu của Ukraine thực sự lớn và các nỗ lực tái thiết nước này bao gồm việc xây dựng đường cao tốc, cầu và các cơ sở hạ tầng lớn khác. Điều này có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Do đó, để hỗ trợ Ukraine ngay hiện nay, Ngân hàng thế giới đang nỗ lực cung cấp nhiều tiền mặt nhất có thể cho quốc gia Đông Âu này, cùng với đó là tiến hành các dự án đặc biệt để hỗ trợ người dân Ukraine, trong đó có nhiều người đang phải sơ tán ở Ba Lan và nhiều nơi khác. 

LHQ cũng vừa công bố khoản hỗ trợ khẩn cấp, trị giá 40 triệu USD nhằm hỗ trợ người dân Ukraine tiền mặt, lương thực, thuốc men và nơi trú ẩn. Đây là đợt phân bổ thứ 2 từ Quỹ Ứng phó khẩn cấp trung ương của LHQ kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt hôm 24/2.

Bên cạnh nỗ lực giúp Ukraine tái thiết đất nước, các nước cũng triển khai thêm nhiều biện pháp hỗ trợ người tị nạn Ukriane. Chính phủ Anh vừa công bố một chương trình mới mang tên "Nhà cho người Ukraine", theo đó cho phép hàng chục nghìn người Ukraine được lưu trú tại gia đình người Anh tối đa 3 năm, dù không có quan hệ gia đình với người Anh. 

Ông MICHAEL GOVE - Bộ trưởng Nhà ở và Cộng đồng Anh: “Sẽ không có giới hạn về số lượng người Ukraine có thể hưởng lợi từ kế hoạch này. Chương trình sẽ áp dụng với tất cả công dân Ukriane. Họ có thể sống và làm việc tại Vương quốc Anh trong tối đa ba năm và được phép tiếp cận đầy đủ và không hạn chế đối với các quyền lợi về chăm sóc sức khỏe, việc làm và các hỗ trợ khác.”

Theo cơ chế này, công dân Anh nhận người Ukraine lưu trú tại nhà mình cũng sẽ nhận được 350 bảng Anh (457 đôla Mỹ)/tháng và phải cam kết cho lưu trú ít nhất 6 tháng.

Trước đó, Quốc hội Ba Lan đã thông qua dự luật hỗ trợ người Ukraine sơ tán do chiến tranh, cho phép người Ukraine sơ tán do chiến tranh được cấp thẻ công dân và được phép cư trú hợp pháp tại Ba Lan trong thời gian 18 tháng. Ngoài ra, người Ukraine sẽ được làm việc và sử dụng dịch vụ y tế công của Ba Lan, học sinh và sinh viên người Ukraine sẽ được tiếp tục theo học tại Ba Lan.

ĐỨC MUA TIÊM KÍCH F35 CỦA MỸ

Chính phủ Đức đã quyết định đặt mua từ Mỹ 35 tiêm kích F-35, trong nỗ lực điều chỉnh chiến lược giữa lúc căng thẳng an ninh tại châu Âu. 

Số tiêm kích nói trên sẽ thay thế cho các máy bay Tornado (Tô-na-đô) đã cũ, vón là loại máy bay chiến đấu duy nhất của Đức có khả năng mang bom hạt nhân của Mỹ. Quyết định mua F35 được đưa ra không lâu sau khi thủ tướng Ô-láp Sôn tuyên bố chi ngân sách hơn 109 tỷ USD để hiện đại hoá quân đội. 

Tuy nhiên, động thái trên có thể khiến Pháp lo lắng vì ảnh hưởng tới kế hoạch hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu giữa hai nước, dự kiến hoàn tất vào khoảng những năm 2040./.