Đạo luật Khoa học và Chip giúp Mỹ khẳng định vị trí dẫn đầu?

Quyết định này của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tăng cường triển khai những hành động bổ sung để bảo vệ an ninh quốc gia và các chính sách đối ngoại, trong đó có việc hạn chế Trung Quốc sở hữu công nghệ của Mỹ vì mục đích quân sự.

Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ cao, Tổng thống Biden cũng đang tiếp tục thúc đẩy các chính sách trong các lĩnh vực khác, nhằm củng cố vị thế dẫn đầu thế giới của Mỹ.

TỪ CHIP TỚI CƠ SỞ HẠ TẦNG…

Ngày 10/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới dự lễ khởi công của nhà máy bán dẫn trị giá 20 tỷ USD của tập đoàn Intel. Tại đây, ông tuyên bố việc sản xuất vi mạch (Chip) tinh vi cho máy tính là một vấn đề an ninh quốc gia.

 Hôm nay, ông có mặt ở Sân bay quốc tế Logan ở Boston, phát biểu về tầm quan trọng của đầu tư cơ sở hạ tầng, với tấm biển “Xây dựng một nước Mỹ tốt đẹp hơn” ở phía sau.

 Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: "Mỹ đã phát minh ra hàng không hiện đại, nhưng chúng ta đã để các sân bay của mình tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh. Không một sân bay nào của Mỹ nằm trong số 25 sân bay hàng đầu trên thế giới. Nó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là chúng ta đang gặp vấn đề về thương mại, doanh thu và an ninh."

MỸ KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ DẪN ĐẦU

Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo rằng, việc thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng trong những thập kỷ gần đây đã cho phép các nước cạnh tranh bắt kịp Mỹ về mặt kinh tế. Tuy nhiên, theo ông, Mỹ đã trở lại với Đạo luật cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD được thông qua vào năm ngoái với sự ủng hộ của lưỡng đảng. Những tháng qua, Tổng thống Biden đã đi tới nhiều địa điểm tại Mỹ để nêu bật các dự án được tài trợ bởi luật cơ sở hạ tầng.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Biden cũng nhắc đến Đạo luật về Khoa học và CHIPS mới được thông qua. Qua đó, Tổng thống Mỹ tiếp tục khẳng định muốn mang chip “trở lại nơi bắt đầu”, để cạnh trạnh kinh tế trực tiếp với Trung Quốc, cũng như tăng cường an ninh quốc gia.

 Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: "Tôi đã ký Đạo luật về Khoa học và CHIPS mang tính đột phá, nhằm đảm bảo rằng công nghệ và việc làm trong tương lai được tạo ra ở Mỹ, và Mỹ sẽ đầu tư hàng tỷ đô la vào nghiên cứu và phát triển, đào tạo lực lượng lao động, khuyến khích sản xuất để mang chất bán dẫn trở lại Mỹ, nơi nó bắt đầu."

Hai Đạo luật khác nhau, được ký vào những thời điểm khác nhau, nhưng có cùng chung mục tiêu: “Xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn” - như khẩu hiệu tranh cử của ông Biden từ năm 2020.

Anh Tuấn