Đào rừng SaPa nhộn nhịp xuống phố

Những ngày này, hoa đào phai SaPa mà nhiều người vẫn gọi là "đào rừng" lại nhộn nhịp xuống phố, để kịp phục vụ người dân chơi Tết. Gọi là đào rừng, nhưng thực chất, đây là những cây đào bản địa, được người dân địa phương mang về, trồng trên đất nhà mình. Hoa đào SaPa xuống phố không chỉ góp thêm sắc màu tươi mới trong ngày xuân mà đây còn là nguồn thu nhập đáng kể với người dân vùng cao.

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, anh Châu A Nhà lại cùng người dân trong bản chở cành đào xuống phố để bán cho khách. Cây đào được trồng trong vườn của gia đình nên chăm sóc đúng kĩ thuật, sinh trưởng tốt và nở hoa đúng dịp Tết.

Anh Châu A Nhà - Xã Chung Chải, thị xã SaPa, tỉnh Lào Cai: Nhà bao giờ cũng trồng có độ 700 cây, nhưng bé chưa to. Cây này nó trồng lâu rồi, to rồi nên chặt đi bán. Khách mua thì chỉ thích cành đào to và cành đào già thôi, nhiều nụ. Có một số thì thích nhiều cành nhưng một số lại thích nụ nhiều.

Nhiều năm trở lại đây, người dân địa phương đã tích cực trồng đào bản địa trên đất nương rẫy để tạo nguồn thu nhập ổn định. Mỗi cành đào sẽ có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng tuỳ thuộc vào kích thước, thế và số lượng hoa. Hoa đào trồng ở xứ lạnh SaPa nên thân xù xì, rêu phong, cánh hoa có màu hồng phai được khách rất ưa chuộng.

Chị Đỗ Thị Lụa - Du khách: Đào trên này thì được trồng ở vùng cao nên nó có nhiều rêu phong hơn nên chúng tôi cũng thích hơn đào dưới xuôi. Tôi thích chọn cành đào có nhiều hoa, nhiều lá và nếu có quả thì càng tốt.

Vào những ngày giáp Tết, thị trường hoa đào càng trở nên sôi động. Ai cũng muốn chọn được 1 cành đào đẹp để trưng bày trong gia đình với hi vọng năm mới sung túc, may mắn. Đào SaPa với vẻ đẹp mộc mạc, thuần khiến vốn có đang được du khách nhiều tỉnh thành trong cả nước ưa thích./.

Vũ Thắng