Đặt mục tiêu phổ cập tối thiểu 1 triệu tên miền quốc gia .vn

Với mục tiêu phát triển Internet Việt Nam an toàn, bền vững, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng chuỗi sự kiện mới, chuyên sâu về Internet. Sáng 24/6 tại Đà Nẵng, Hội thảo với chủ đề “Tương lai của Internet” đã quy tụ hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước cùng gặp gỡ, chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh và chung tay phát triển bền vững Internet tại Việt Nam

BTV MỸ PHƯỢNG: “Truy cập Internet băng rộng tới 100% hộ gia đình; Phổ cập tên miền quốc gia “.vn” đạt mục tiêu tối thiểu 1 triệu tên miền để người dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam khai thác giá trị tài nguyên Internet quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây là một trong những mục tiêu lớn được đưa ra tại chuỗi sự kiện VNNIC Internet Conference.”

2022 là năm kỷ niệm 25 năm Internet vào Việt Nam. Tỷ lệ người dùng ở Việt Nam đạt tới 70.3%, đã và đang trở thành nhu cầu thiết yếu hàng ngày, là nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số. Sử dụng tên miền quốc gia “.vn” cũng chính là thể hiện sự hiện diện của Việt Nam trên Internet theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Ông NGUYỄN HỒNG THẮNG, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, Bộ TT&TT: “Trung tâm Internet Việt Nam của Bộ TT&TT cũng đã đề xuất trong năm nay sửa đổi chính sách, hành lang pháp lý để mở rộng không gian tên miền quốc gia “.vn”, giảm các chi phí làm sao để người dân doanh nghiệp có điều kiện để mỗi người dân đăng ký tối thiểu 1 tên miền.”

Việt Nam cũng đặt mục tiêu đồng thời chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức thế hệ mới (IPv6). Hiện tỷ lệ người dùng tại Việt Nam sử dụng IPv6 đạt 50%, đứng thứ 10 thế giới.  

Ông NGUYỄN NAM LONG, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT: “Tương lai thì điện, nước, Internet sẽ là dịch vụ thiết yếu cho người dân. Ipv6 thì sẽ làm cho Internet ngày càng tốt hơn. Và tất cả mọi người sẽ sử dụng thuần địa chỉ IPv6 cho tất cả các thiết bị trong tương lai.”

Bên cạnh những vấn đề xoay quanh sự bùng nổ của các công nghệ mới như, điện toán đám mây, Trí tuệ nhân tạo, Blockchain... Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng nguồn nhân lực, môi trường phát triển, gắn kết, chia sẻ giữa cộng đồng Internet và các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước.

Mỹ Phượng - Lê Quang