• 4134 lượt xem
  • 04:15 11/05/2022
  • Xã hội

Đấu giá tài sản thế chấp: Xử lý thế nào khi bên có tài sản thế chấp đòi huỷ kết quả đấu giá?

Những năm gần đây, Nhà nước cũng như Chính phủ luôn đề cao và coi trọng việc xử lý dứt điểm nợ xấu tại các ngân hàng và đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp được xem là tối ưu. Song đây cũng là giai đoạn cuối cùng và khó khăn nhất trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.

Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, đã có rất nhiều vụ kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá tài sản thế chấp từ các bên khác nhau, thậm chí từ cả bên có tài sản thế chấp. 

Quyền sử dụng đất gần 32.000 m2  tại xã An Phú Đông, huyện Hóc Môn (nay là phường An Phú Đông, quận 12) được Công ty Bình Phát thế chấp để vay 143 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh Bình Chánh vào năm 2007. Đến tháng 2/2011, công ty Bình Phát đồng ý giao tài sản để ngân hàng xử lý thu hồi nợ với mức giá chuyển nhượng 8,5 triệu đồng/m2 (giá khởi điểm để xử lý tài sản là 271 tỷ đồng). Tuy nhiên từ 2011 – 2016, qua 23 phiên đấu giá, tài sản không bán được do không có người mua. Đến phiên đấu giá thứ 24, ngày 25/8/2016, sau khi hạ giá mỗi phiên 10%, Công ty TNHH Xây dựng Sài Gòn Kim Hảo đã trúng đấu giá với giá khởi điểm 173 tỷ đồng. Trong khi đó, theo chứng thư thẩm định giá thời điểm tháng 4/2016, giá trị thửa đất số 530 là hơn 371 tỉ đồng. Đáng lưu ý, trước phiên đấu giá này, đại diện công ty Bình Phát đã hai lần có văn bản yêu cầu ngừng bán đấu giá lô đất và hủy bỏ cam kết với ngân hàng về việc đưa tài sản cho ngân hàng thanh lý.

Bất bình với việc bán tài sản với giá quá thấp so với thị trường, và cho rằng đã có vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục đấu giá theo quy định của pháp luật, Công ty Bình Phát đã khởi kiện để yêu cầu hủy kết quả đấu giá. Ngày 5/5 vừa qua, Tòa án nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo thụ lý vụ án.

Quang Anh