Tại phiên giải trình "Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nêu các giải pháp giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên, trong đó đặc biệt cần đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa giáo dục.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về giải pháp căn cơ, bền vững, lâu dài để không còn tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu" giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, mỗi năm tăng lên khoảng nửa triệu học sinh, cùng với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện chương trình giáo phục phổ thông mới… nên nếu chỉ có một vài giải pháp, rất khó để có thể giải quyết căn cơ, bền vững vấn đề này.
Ông NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “giải pháp điều động, chuyển đổi, nâng chuẩn, tất cả dc áp dụng nhưng sẽ khó khả thi. Bộ sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tự chủ cơ sở giáo dục công lập ở những nơi có điều kiện để dành biên chế cho vùng khó khăn; tăng năng lực dự báo nhu cầu, đào tạo giáo viên…”
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong năm học 2021-2022, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình Chính phủ bổ sung gần 28.000 giáo viên, ưu tiên cho bậc học Mầm non hoặc các địa bàn tăng đột biến học sinh đến trường, nhưng mặt khác đã giảm hơn 45.000 người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ: "Đội ngũ giáo viên là yếu tố căn cốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Chúng ta phải làm sớm, chủ động để thực hiện xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục... Tất cả các nội dung này phải được thể hiện cụ thể trong nội dung Chiến lược phát triển ngành thời gian tới"
Cùng với việc rà soát lại quy định hiện hành liên quan đến định mức, quy mô học sinh và giáo viên trên lớp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý việc hoàn thiện quy định phát luật về thực hiện tự chủ và xã hội hóa giáo dục ở những nơi có điều kiện phát triển như các thành phố, thị xã, thị trấn...
Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ: "Khi đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa giáo dục sẽ huy động xã hội cùng tham gia vào thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo, sẽ góp phần giải quyết vấn đề lương của giáo viên theo quy định hiện nay; việc đẩy mạnh xã hội hóa, tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập nhằm mục tiêu giảm số giáo viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng "không hẳn là bỏ biên chế".
Để thực hiện tự chủ, ngành Giáo dục phải sớm có quy hoạch, thống nhất định mức kinh tế-kỹ thuật và quy hoạch hệ thống mạng lưới sự nghiệp, có điều kiện thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Nội vụ đang đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 59/2014/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Kết hợp với việc sửa đổi trên, Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp với các bộ liên quan và các địa phương thúc đẩy tự chủ và xã hội hóa để giải quyết những vấn đề cơ bản liên quan đến chế độ giáo viên.
Thực hiện : Phan Hằng Diệu Linh Hồng Dũng