Cũng trong sáng 05/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà ở (Sửa đổi). Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Luật nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo.
Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật
Dự thảo Luật Nhà ở (Sửa đổi) gồm 13 Chương với 196 Điều, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật bổ sung một số khái niệm mới như: Nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp; Nhà lưu trú công nhân; Quy định về phát triển nhà ở; Trách nhiệm quản lý chất lượng nhà ở… Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã Luật hóa một số quy định từ Nghị định số 69 lên Luật để bảo đảm hiệu lực pháp lý về các trường hợp phá dỡ nhà chung cư; Nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Về phát triển nhà ở xã hội, sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về: Đối tượng, hình thức và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Loại hình dự án đầu tư xây dựng NOXH; Xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua NOXH không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng…
Theo báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Ủy ban Pháp luật nhận thấy dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có mối quan hệ mật thiết với nhiều luật có liên quan, do đó, cần rà soát kỹ để tránh chồng lấn, xung đột về phạm vi điều chỉnh. Ngoài ra, cần phải tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các giải pháp khả thi để tháo gỡ các điểm nghẽn về: Trình tự, thủ tục di dời cư dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, thống nhất phương án bồi thường, tái định cư sau khi lựa chọn được chủ đầu tư...Về chính sách phát triển nhà ở xã hội, đề nghị nghiên cứu quy định bổ sung trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.