Đề cao văn hóa đọc trong gia đình Việt

Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017 đã xác định, phát triển văn hóa đọc trong gia đình là nội dung quan trọng và cần được quan tâm đúng mức. Hình thành thói quen đọc sách từ gia đình là cách thức mở rộng kiến thức, tư duy, góp phần hoàn thiện nhân cách mỗi người.

Bé Nguyễn Khánh Ngọc, học sinh lớp 3D, trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, thành phố Hà Nội. Hơn 2 năm dịch bệnh, phải học online ở nhà, ngoài thời gian học, bé chỉ biết vùi đầu vào máy tính và chơi với cô bạn hàng xóm bên thiết bị điện tử. Ngoài thời gian học, hai bé lại rủ nhau xem ti vi tại nhà. Sách hầu như không đọc. 

Bà Đỗ Thị Tám - Phường Phú Thương, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội: “Chúng tôi ở nhà cũng thấy sốt ruột lắm. Cũng mong các cháu đi đến trường, đến lớp học. Tôi mong cuối tuần, bố mẹ cho các cháu đến những hiệu sách đọc sách để các cháu được giao lưu. Trên phòng của cháu, chỉ có máy tính chơi game, điện thoại. Sách vở thì không tới đâu cả.”

Còn tại phòng học của bé Bùi Ngọc Yến Nhi, theo ghi nhận cũng khá nhiều quyển sách thú vị. Không chỉ có sách truyện Việt Nam mà còn khá nhiều cuốn sách nước ngoài được ba mẹ mua về. Ngoài giờ học online, chơi với bạn hay xem tivi, bé cũng dành thời gian đọc sách 

Bé Bùi Ngọc Yến Nhi, Lớp 5C, trường tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội: “Ở nhà, thỉnh thoảng thì con cũng đọc sách nhưng mà con chỉ đọc ít thôi, xong rồi con học online xong con sang nhà bạn hàng xóm con chơi và xem tivi. Con mong muốn cuối tuần được mẹ đưa đi nhà sách để đọc sách. Con thích đọc sách Việt Nam bởi vì nó hay, bổ ích cho thiếu nhi.”

Theo các chuyên gia, chưa bao giờ xuất bản sách lại cởi mở, phong phú như hiện nay. Tuy nhiên, trong trường học, chủ yếu là sách giáo khoa phục vụ việc học và thi. Người trẻ ít thời gian đọc như một người có nhu cầu cần trang bị học vấn, văn hóa. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: So với những năm trước đây, rõ ràng là văn hóa đọc của chúng ta có bước phát triển. Nhưng về nội dung thì bản chất của văn hóa còn nhiều băn khoăn. Nhất là thói quen đọc sách, lớp trẻ bây giờ hầu như rất han chế bởi vì thời gian đã bị phân tán sang nhiều nhu cầu giải trí khác. Ngay cả trong trường học, môi trường lẽ ra phải có văn hóa đọc rõ nhất.”

Gia đình là nơi lưu giữ những quan hệ nhân bản sâu sắc nhất, là đơn vị tạo nền tảng hình thành, duy trì, phát triển những giá trị đạo đức của cộng đồng. Vì thế, hình thành “văn hóa đọc” ở gia đình sẽ tạo nền tảng cho việc hình thành thói quen tự nghiên cứu, học tập suốt đời ở mỗi người./.

Khánh Hoàng