Đề nghị chấn chỉnh việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước

Trong phiên làm việc sáng 24/5, Quốc hội nghe báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Đây là năm dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nhưng với sự nỗ lực tích cực, nhiều nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2021 được Quốc hội quyết định đã hoàn thành.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, việc thực hiện thu ngân sách năm 2021 vượt cao so với dự toán, dẫn đến chi ngân sách bị động, số chuyển nguồn sang năm sau còn lớn. 

Quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 tăng khoảng 17,2% so với dự toán, tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18,7% GDP. Trong đó các khoản thu chủ yếu từ nội địa, dầu thô hay thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đều tăng so với dự toán. Quyết toán chi ngân sách nhà nước tăng 0,4% so với dự toán. Riêng quyết toán chi đầu tư phát triển ngân sách Trung ương giảm 13,5% so với dự toán, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Kết quả giám sát của Ủy ban tài chính Ngân sách nêu rõ, kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm, đặc biệt công tác quyết toán NSNN chậm đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chấn chỉnh, nhưng chưa được khắc phục. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm, chấn chỉnh việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN. Làm rõ trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ,… làm ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam