Đề nghị giải thích cụ thể nội hàm của thuật ngữ “tham chiếu”

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 30/5, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Góp ý vào dự án luật, đại biểu Trần Văn Thức - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần làm rõ nội hàm của thuật ngữ "tham chiếu" để đảm bảo việc vận dụng trên thực tế.

Tán thành cao sửa đổi Luật giao dịch điện tử, đại biểu Trần Văn Thức – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dự thảo Luật khi được thông qua sẽ thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình dựa trên nền tảng cổng nghệ số, Internet và không gian mạng, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên không gian mạng.

Để chất lượng dự thảo Luật được tốt hơn, đại biểu Trần Văn Thức nhận thấy, thuật ngữ “tham chiếu” được sử dụng nhiều lần, 8 lần. Đây là một thuật ngữ mang tính chất chuyên ngành và được sử dụng trong nhiều chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau như khoa học máy tính, xã hội học, kiến trúc, tài chính, chứng khoán… Do đó, đại biểu đề nghị cần giải thích cụ thể để đảm bảo việc vận dụng, bổ sung vào Điều 3 của dự thảo, làm rõ nội hàm của thuật ngữ “tham chiếu”.

Tại Khoản 1 Điều 9 quy định lợi dụng giao dịch điện tử gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, để đảm bảo tính bao quát, toàn diện của điều luật, đại biểu Trần Văn Thức đề nghị sửa lại như sau: Lợi dụng giao dịch điện tử từng xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Liên quan đến quy định về giá trị những văn bản của thông điệp dữ liệu tại Điều 12, đại biểu đề nghị sửa lại này như sau: Trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng, chứng thực theo quy định của luật này và pháp luật về công chứng, chứng thực.