• 1057 lượt xem
  • 14:55 01/09/2022
  • Văn hóa

Để nhịp chiêng còn vang tiếng nơi buôn làng

Đối với đồng bào M’nông, cồng chiêng đã trở thành nét văn hoá không thể thiếu trong đời sống văn hoá tín ngưỡng của dân tộc, là cầu nối tâm linh giữa con người với thần linh. Tuy nhiên, theo thời gian, cồng chiêng không còn hiện diện nhiều trong các lễ hội truyền thống hay trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vẫn còn những gia đình gìn giữ nhịp chiêng luôn ngân vang.

Về Bon Phi Lơ Te 1, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức không ai là không biết gia đình ông Điểu Khon và bà Thị Ít. Gia đình ông bà là một trong số hiếm những gia đình còn lưu giữ được nhiều bộ chiêng nhất của đồng bào M’nông. Hiện gia đình ông, bà đang sở hữu 18 chiếc chiêng, trong đó có 2 bộ chiêng hoàn chỉnh. Với quan niệm chiêng là vật thiêng, gắn kết gia đình nên dù cuộc sống có khó khăn, vất vả nhưng gia đình ông vẫn luôn nỗ lực gìn giữ những bộ cồng chiêng qua nhiều thế hệ.

Ông Điểu Khon, Bon Phi Lơ Te 1, xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông: "Hồi chiến tranh ngày xưa nha, đánh giặc hồi xưa đâu có bỏ được, vẫn luôn đem theo. Ông già bà già cũng để dành cho con cháu nên khi ông bà mất để lại cho mình."

Tranh thủ những lúc nông nhàn ông bà vẫn thường xuyên soạn những bộ chiêng ra để lau chùi và thử tiếng của chiêng. Mỗi chiếc chiêng phát ra âm thanh khác nhau. Chất lượng âm thanh phụ thuộc vào tỷ lệ hợp kim sử dụng đúc cồng chiêng. Thông qua tiếng chiêng ông bà như muốn nhắc nhở con cháu không được quên hồn cốt, bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

Bà THỊ ÍT, Bon Phi Lơ Te 1, xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông: "Tôi giữ cồng chiêng này để lại cho con cháu, bán tôi cũng không cho bán vì từ thời ông bà để lại cho."

Còn ở bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo vẫn duy trì một đội cồng chiêng của người M’nông. Các thành viên nhiều thế hệ vừa sinh hoạt, vừa tập luyện, chỉ dẫn cho nhau, cứ thế, đội chiêng sinh hoạt thường xuyên hơn mà còn chiêu mộ được nhiều thành viên trẻ có tâm, yêu thích gìn giữ cồng chiêng. Người M’nông dùng nắm tay phải đánh vào mặt chiêng, tay trái giữ mặt trong lòng chiêng để làm nhịp, điều chỉnh âm thanh.

Chị THỊ ĐÉ, Bon Điêng Đu, xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông: "Bây giờ em biết đánh 3 loại cồng chiêng, hiện tại em đang học ở anh chị. Hy vọng của em là giữ lại truyền thống của đồng bào M’nông mình."

Với tinh thần, sự say mê gìn giữ cồng chiêng của ông Điểu Khon, bà Thị Ít hay các thế hệ nghệ nhân dân gian đã tiếp thêm tình yêu của các thế hệ đối với nhịp cồng chiêng. Để rồi đâu đó trong những căn nhà truyền thống, dưới mái nhà cộng đồng hay không gian xanh mát của những tán điều, nhịp chiêng vẫn đều đặn vang lên rộn rã như khẳng định sức sống mạnh mẽ, nhắc nhở bon làng đoàn kết, cùng nhau gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Phúc Hân