Đề xuất ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp tăng tính chủ động trong phòng chống dịch

Thảo luận tại tổ về Nghị quyết 30 của Quốc hội các đại biểu cho rằng các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đi vào thực tiễn còn gặp khó. Sự phối kết hợp giữa các sở ngành còn vướng; còn chậm hoặc chưa ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, đại biểu đề nghị xem xét, nghiên cứu ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

Đa số đại biểu cho rằng Chính phủ đã triển khai Nghị quyết 30 với tinh thần khẩn trương, chủ động, linh hoạt với những giải pháp chưa có tiền lệ; áp dụng các cơ chế đặc cách, đặc thù trong phòng chống dịch. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn để giải quyết được các vướng mắc về công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ cho công tác phòng chống dịch tại địa phương.

Cho rằng các quy định vẫn chưa bao quát được hết các tình huống phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát; một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi. Do vậy, một số đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, nghiên cứu ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước những tình huống khẩn cấp khách quan.

Một số đại biểu cho rằng việc thanh quyết toán cho người chưa bệnh Covid-19, chế độ đối với cán bộ y tế cấp cơ sở, người tham gia phòng chống dịch chưa kịp thời, đề nghị Chính phủ cần sớm có hướng dẫn một cách thống nhất, rõ tiêu chí để dễ triển khai thực hiện thanh toán, quyết toán chi phí phòng chống dịch, cũng như dễ kiểm tra, giám sát.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam