• 2712 lượt xem
  • 21:26 05/04/2022
  • Kinh tế

Đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật để xử lý nợ xấu của cả nền kinh tế, không riêng ngành ngân hàng

Nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Xử lý nợ xấu trong thời gian tới, là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, trong bối cảnh Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu sắp hệt hiệu lực và Chính phủ đang trình kéo dài thời hạn của Nghị quyết này.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Nghị quyết 42 của Quốc hội ban hành đã tác động rất tích cực. Số nợ xấu đã được xử lý, giải quyết trong những năm qua thông qua Nghị quyết 42 là 380.000 tỷ đồng. Đây là khối lượng vốn rất lớn đã được quay vòng và tái tạo đầu tư trở lại nguồn vốn cho nền kinh tế, giải quyết được nhiều lãng phí xã hội. Nghị quyết 42 có lợi ích không chỉ với xã hội mà còn lợi ích với cả ngân hàng và các doanh nghiệp, của nền kinh tế, do vậy Ngân hàng Nhà nước mong muốn xây dựng một luật riêng liên quan đến xử lý nợ xấu.

Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Theo quy định, sau 5 năm, Nghị quyết 42 hết thời hạn hiệu lực, chúng tôi thấy rằng đối với việc phát triển kinh tế xã hội nói chung, cần có một luật liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu của nền kinh tế, không chỉ xử lý nợ xấu của riêng ngành ngân hàng. Chúng tôi đã đề xuất báo cáo Chính phủ nghiên cứu báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành Luật Xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có Luật Xử lý nợ xấu phải có thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, tác động ban hành Luật. Nếu không kéo dài Nghị quyết 42 thì sẽ có một số khoản nợ thuộc đối tượng trong Nghị quyết 42 mà không có cơ sở pháp lý để triển khai, đây sẽ là khó khăn cho những khoản nợ đó.”

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng: 2 năm vừa qua, do tác động ảnh hưởng của dịch bệnh đối với một số doanh nghiệp, lĩnh vực, nợ xấu chắc chắn xuất hiện. Vì vậy, nếu tiếp tục kéo dài Nghị quyết 42 làm cơ sở pháp lý để xử lý những khoản nợ đó sẽ tạo ra sự tích cực, lợi ích chung cho doanh nghiệp, cho xã hội và ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Chính vì vậy, Chính phủ đã chấp thuận và đã trình Ủy ban Thường vụ làm thủ tục cũng như nghiên cứu đánh giá cho phép kéo dài Nghị quyết 42 thời gian tới.

Tại buổi họp báo, về vấn đề đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: đây là vấn đề sử dụng nhiều tiền nhất của ngân sách nhà nước. Liên quan đến danh mục các dự án của chương trình phục hồi, các danh mục này cơ bản là danh mục mới, chưa có thủ tục. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ ngành tổng hợp danh mục để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thông báo với các bộ, ngành địa phương để triển khai làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư với các dự án, đặc biệt là các dự án lớn.

Ông TRẦN QUỐC PHƯƠNG, Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Hiện nay là 5 dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, gồm 2 đường vành đai của 2 thành phố và 3 dự án cao tốc của Bộ GTVT, đã hoàn thành xong công tác thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chỉ khi nào dự án đầy đủ thủ tục thì mới được thực hiện giải ngân. Tuy nhiên, Nghị quyết 42 cũng cho phép bổ sung vốn của chương trình để giải ngân trước cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nội dung này trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ phương án phân bổ, bổ sung dự toán năm 2022 đợt 1 cho các dự án đã đầy đủ thủ tục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để sắp tới đây sẽ trình UBTVQH theo đúng thẩm quyền phân bổ cho các bộ, ngành địa phương. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho các dự án để có thể giải ngân cho các dự án.”

Sỹ Cường