Đề xuất phân cấp, phân quyền cho địa phương 83% dự án ODA

Hiện nay việc triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn ODA đang rất chậm do nhiều vướng mắc. Mỗi lần thay đổi chủ trương đầu tư cần phải có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến mất rất nhiều thời gian, gây chậm trễ tiến độ. Do đó việc sửa đổi điều 17, điều 25 của Luật đầu tư công được xem là sẽ tháo gỡ vướng mắc cho 83% các dự án ODA hiện nay.

Chính phủ để xuất sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 25 theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Nhiều đại biểu tán thành với đề xuất này, song cũng đề nghị Chính phủ mạnh dạn xem xét phân quyền cho HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chủ trương đầu tư, thực hiện triển khai cả những dự án nhóm A, sử dụng nguồn vốn ODA nằm trên địa bàn tỉnh.

Ông Vũ Tuấn Anh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ: “Tôi đề nghị chúng ta đã phân cấp rồi thì phân cấp luôn dự án nhóm A, không việc gì phải giữ lại nhóm A để Thủ tướng Chính phủ quyết để rồi cũng phải lộn lên lộn xuống. Phân cấp nốt luôn cho HĐND cấp tỉnh để họ có thẩm quyền quyết định chủ trưởng đầu tư vì khâu ban đầu là đã trình qua Thủ tướng khi mà đề xuất dự án rồi. Chỉ có ý các dự án nhóm A mà do Bộ, các cơ quan trung ương làm chủ đầu tư thì tuỳ”.

Đồng thời, khi đã phân cấp cũng phải đảm bảo tính thống nhất trong vận dụng, thực hiện, tránh mỗi nơi làm mỗi kiểu.

Ông Lê Minh Nam - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: “Tôi cho rằng phải có quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền trách nhiệm, cũng như quy định trinh tự thủ tục thực hiện để đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện. Rồi cũng cần quy định trách nhiệm của các bộ ngành địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư”.

Theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, các dự án ODA hiện nay đang giải ngân rất chậm, nếu đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các dự án nhóm B, C đã tháo gỡ vướng măc cho 83% dự án. Lý do Chính phủ không đề xuất phân cấp, phân quyền đối với dự án nhóm A ở thời điểm này, là do quy mô lớn, tỷ lệ cho vay lại cao và phải thực hiện theo yêu cầu, điều kiện chặt chẽ theo hiệp định được kỳ kết nhân danh Nhà nước theo quy định của Luật Điều ước quốc tế với các nhà tài trợ lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á... Các dự án này cần được thực hiện theo thủ tục chặt chẽ để bảo đảm tuân thủ mục tiêu, định hướng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cam kết với nhà tài trợ và an toàn nợ công bền vững.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư: “Nhóm A là gì? Quy mô rất lớn, tính chất rất phức tạp, nó là liên ngành, liên vùng, ảnh hưởng tác động rất nhiều đến kinh tế, xã hội vì quy mô nó lớn; ảnh hưởng đến tỷ lệ vay và trả nợ của các địa phương cùng các cam kết nước ngoài. Thế thì chúng ta đã nên như thế chưa? Sau khi nghiên cứu rất kỹ chúng tôi thấy rằng trước mắt chúng ta mạnh dạn phân cấp B, C nó đã chiếm 83% dự án rồi, đã gỡ vướng được rất nhiều rồi. Giờ thả ra tất cả một lúc mà chưa có cơ hội tổng kết, đánh giá thực sự chúng tôi rất e ngại”.

Quan điểm của Chính phủ là chưa nên phân quyền vì các dự án nhóm A là dự án có quy mô lớn thường khoảng trên 1.000 tỷ đồng trở lên, cần đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ của các nhà tài trợ lớn. Tuy nhiên, Khoản 6 Luật Đầu tư công năm 2019 đã phân cấp cho HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý (trừ dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ). Việc này cũng sẽ tạo sự chủ động và nâng cao vai trò, trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án này.