Đề xuất sửa Luật Phổ biến giáo dục pháp luật

Chiều 22/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Các ý kiến cho rằng công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật đã phát huy vai trò là thiết chế nền tảng để tạo lập khung khổ pháp lý đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hoạt động và phát triển ổn định, ngày càng có chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Qua 10 năm triển khai thi hành, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng bài bản và đi vào nền nếp, toàn quốc đã tổ chức 9 triệu cuộc PBGDPL trực tiếp; biên soạn và cấp phát miễn phí 511 triệu tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu phổ thông được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài. Bên cạnh những kết quả đạt được, theo các đại biểu qua 10 năm thi hành luật, nhiều quy định của Luật PBGDPL đã trở nên không còn phù hợp do đó, cũng kiến nghị sớm sửa đổi luật này.

Cùng với đó, các ý kiến cho rằng nếu sửa đổi Luật Phổ biến giáo dục pháp luật cần cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Đồng thời, cần quan tâm đến vấn đề xã hội hóa thu hút các nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực phổ biến giáo dục pháp luật.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật, các ý kiến cũng đều xuất cần đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, chú trọng đối tượng đặc thù; bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Đẩy mạnh việc truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tạo đồng thuận xã hội, coi đây là giải pháp quan trọng để gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Sỹ Cường