Thêm 5 nghìn đồng thuế/bao thuốc lá, ngân sách có thêm vài chục nghìn tỷ đồng

Mặc dù Tờ trình của Chính phủ về Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, không đề cập đến việc tăng mức thuế đối với mặt hàng đồ uống có cồn và thuốc lá trong Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, tuy nhiên, tại phiên thảo luận tổ vừa qua nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Theo đó, Chính phủ xem xét ngay ở Kỳ họp bất thường việc bổ sung tăng mức thuế đối với mặt hàng này.

Thời gian qua, nhiều ĐBQH, cơ quan, tổ chức và cử tri đã kiến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn và thuốc lá. Trong bối cảnh Việt Nam đang đưa ra gói hỗ trợ phục hồi kinh tế với nhiều chính sách giảm thuế, phí để hỗ trợ phát triển nhưng chưa tính tới giải pháp tạo nguồn thu để bù đắp, đây là thời điểm “đủ chín” để thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với loại sản phẩm này.

Ông Lê Hoàng Anh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: “Hiện nước ta đang đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 75% với thuốc lá. Mỗi năm nước ta có khoảng 15 triệu người hút thuốc lá và chi ra khoảng 31.000 tỷ đồng; chi phí của y tế liên quan đến các bệnh do thuốc lá khoảng 24.000 tỷ đồng. Nếu tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá lên 85% hoặc đánh thuế trực tiếp lên 5.000 đồng/bao như một số đại biểu Quốc hội đề xuất thì có thể thu lại vài chục nghìn tỷ đồng”.

Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới trong 3-4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế do bia mang đến khoảng 65.000 tỷ đồng; chi phí y tế cho 6 loại ung thư liên quan đến rượu, bia khoảng 26.000 tỷ. Giải quyết tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia khoảng 50.000 tỷ đồng. Do đó, đại biểu đề xuất tăng mức tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia trên 20 độ lên 85%.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề phức tạp cần phải được đánh giá tác động cẩn trọng, kỹ lưỡng; do đó không thể đặt ra trong sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật lần này.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Tôi nghĩ đây là vấn đề rất phức tạp, phải đánh giá tác động cận trọng, như tăng thuế tiêu thụ với thuốc lá phải đi đôi với chống buôn lậu thuốc lá, nếu chỉ tăng mà không chống được buôn lậu thì sẽ phản tác dụng, dẫn đến kích thích buôn lâu thuốc lá, lúc đó lợi nhuận buôn lậu thuốc lá có khi còn cao hơn ma túy, giá thuốc lá lên quá cao mà buôn lậu đẩy buôn lậu lên. Cho nên trong lần sửa này không thể đặt ra được".

Để có thể đồng thời điều chỉnh tăng thuế suất đối với một số mặt hàng không khuyến khích và hạn chế tiêu dùng rượu-bia-thuốc lá và góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, nhiều ý kiến tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về việc đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi toàn diện Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2022./.