Đề xuất thêm tiêu chí đặc thù khi sắp xếp đơn vị hành chính

Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021" đã có cuộc làm việc với hai tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh.

Là đơn vị thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 -2021 do có hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số so với quy định tại Nghị quyết 1211 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để đáp ứng nguyện vọng của người dân, lãnh đạo thị xã Quảng Trị và tỉnh Quảng Trị đề xuất chưa thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đối với thị xã Quảng Trị, bởi trong lịch sử hình thành, thị xã Quảng Trị từng giữ vị trí trọng yếu trong thế địa chính trị của đất nước, chứng kiến những cuộc chiến đối đầu và đổi thay của lịch sử. 

Hai chữ “Quảng Trị” không còn là địa danh của một địa phương mà đã trở thành biểu tượng chung của cả nước, niềm tự hào chung về một thời hào hùng và khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam.

Ông HÀ SỸ ĐỒNG - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị: “Khát vọng của người Quảng trị muốn giữ lại di tích đặc biệt quốc gia này để xây dựng một thành phố hoà bình, để tri ân cho những người con của cả nước đã hy sinh trên mảnh đất này thì nên để lại, còn nói về tiêu chí về diện tích về dân số thì chúng tôi không cãi được rồi, nhưng mà vì cái đó, cả nước vì Quảng Trị, Quảng Trị vì cả nước cho nên đề nghị để lại.”

Ông NGÔ QUANG CHIẾN - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị: “Nên thêm một tiêu chí nữa là tiêu chí có tính chất đặc thù liên quan đến truyền thống lịch sử văn hoá, để trong thực tiễn cũng dễ thực hiện hơn.”

Tại Hà Tĩnh, việc sắp xếp thị xã Hồng Lĩnh với đơn vị hành chính cấp huyện khác trong giai đoạn 2019 – 2021 cho đến nay cũng chưa thực hiện được. Bởi thị xã Hồng Lĩnh có vị trí quan trọng trên tuyến hành lang Đông Tây, được xác định là trung tâm kinh tế, văn hoá - xã hội phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh; có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh, là đầu mối giao thương hàng hóa và dịch vụ của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ. Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát tán thành với lý do nêu trên. Tuy nhiên, để mở rộng không gian phát triển cho thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cũng cần có lộ trình sắp xếp trong giai đoạn tới.

Ông TÔ VĂN TÁM - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: “Thị xã Hồng Lĩnh có diện tích nhỏ, mà cần có có không gian phát triển, trong này các đồng chí có điều chỉnh địa giới hành chính, nếu điều chỉnh thì cắt bớt của các huyện, nếu chúng ta điều chỉnh có làm thiếu hụt tiêu chí của các đơn vị khác không, các đồng chí cần phân tích làm rõ.”

Ông ĐẶNG NGỌC SƠN - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: “Hồng Lĩnh, tách ra hay nhập vào thì câu chuyện này chúng tôi bàn rất kỹ không thể làm được, cân nhắc đưa Hồng Lĩnh ra Nghi Xuân, cái này có thể, chủ trương giai đoạn 2 Trung ương đánh giá cụ thể giai đoạn 1 để có điều chỉnh tiêu chí giai đoạn 2, nhưng dù tiêu chí gì thì cũng phải có thực tiễn ở địa phương, phải có 1 khoảng bắt buộc theo tiêu chí nhưng ở địa phương cũng phải có.”

Qua giám sát thực tế, các thành viên đoàn giám sát đề nghị cả hai tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh cần nghiên cứu kỹ lưỡng về chiến lược, quy hoạch phát triển đồng bộ của tỉnh, có lộ trình trong giai đoạn trước mắt và lâu dài sát với tình hình thực tế của địa phương. 

Đồng thời, địa phương cần tiếp tục quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân, chú trọng đến tâm tư tình cảm của người dân sau sáp nhập.

Thùy Linh