Đề xuất xử lý hình sự với hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ

Sáng 12/4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có đề xuất xử lý hình sự với những vi phạm sở hữu trí tuệ.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung phân tích về tính cấp thiết, tính phù hợp của các quy định sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật. Đối với vấn đề quyền tác giả, các ý kiến đề xuất, nên xây dựng cơ chế cho phép các tác giả và chủ thể liên quan thỏa thuận miễn thực hiện quyền nhân thân, không vi phạm đến Công ước Berne và thực tế đã có nhiều nước cũng ủng hộ cách tiếp cận này. Liên quan đến khái niệm sử dụng nhãn hiệu, nhiều chuyên gia cho rằng, định nghĩa trong dự thảo luật về nhãn hiệu nổi tiếng còn gây khó khăn cho chủ sở hữu khi chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. 

Do đó, cần quy định chi tiết mang tính định lượng các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng để cả chủ sở hữu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có cơ sở thống nhất, cụ thể khi xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng. 

Trước hai phương án định nghĩa về hàng hóa giả mạo, các chuyên gia đề xuất, không làm khó cho doanh nghiệp và người dân, bởi đối với hàng hóa có nhãn hiệu tương tự, người dân và doanh nghiệp rất khó phân biệt nhãn hiệu đã được bảo hộ hay không được bảo hộ, nên chỉ cần giới hạn theo phương án 1 “khó phân biệt”, mà không nên giới hạn như phương án 2 “không thể phân biệt”. 

Về việc bổ sung quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào dự thảo Luật, theo các chuyên gia, cần quy định cụ thể hơn nhằm khuyến khích quảng bá Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, đồng thời quy định rõ không được thương mại hóa dưới bất kỳ hình thức nào khi sử dụng. Cũng theo các chuyên gia, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ cũng cần có chế tài xử phạt đủ mạnh và cần tính đủ về thiệt hại kinh tế do hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, nếu có yếu tố cấu thành tội phạm cần phải xử lý hình sự.

Hoàng Hương