Di sản đô thị: Cộng sinh hài hòa trong hiện tại

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, người Việt đã tiếp nhận có chọn lọc những yếu tố văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc, qua đó bồi đắp phong phú thêm kho tàng di sản của đất nước mình. Bên cạnh vốn di sản kiến trúc cổ truyền, chúng ta còn có những công trình di sản kiến trúc đô thị, được kiến tạo chủ yếu từ thời thuộc Pháp.

Giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, song song với việc tiến hành khai thác thuộc địa, người Pháp cũng quy hoạch và xây dựng nên diện mạo đô thị tại các địa danh như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Lạt, Huế… 

Theo nhận định của giới chuyên môn, những công trình đó không tạo ra xung đột với tổng thể kiến trúc của người Châu Á, mà dung hòa với yếu tố bản địa, tạo được sự chuyển hóa mềm mại, hài hòa; đơn cử như chi tiết mái cong tinh tế theo kiến trúc đình làng truyền thống Việt Nam. Những công trình di sản đã cùng với người dân trải qua bao thăng trầm, thương tích, cả thiên tai, bom đạn. Tất cả đã cộng sinh cùng đời sống, cùng những nghi thức và tập tục, để rồi hình thành nên một giá trị sâu xa, đó là ký ức đô thị, là hồn phố.

Kiến trúc sư TRẦN HUY ÁNH - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội: "Khi nói đến di sản, chúng ta thường nghĩ rằng đó là một vật kiến trúc hay một công trình có tuổi đời trăm năm, nghìn năm. Tuy nhiên, có rất nhiều công trình mà bản thân nó khi hình thành đã trở thành di sản, là biểu tượng về di sản tình yêu thương của Bác Hồ, của nhân dân thủ đô đối với thiếu nhi. Đây là một di sản không phải chỉ là kiến trúc, mà còn là di sản nhân văn, thực sự đáng trân trọng".

Trải qua hàng trăm năm, phần lớn những công trình do người Pháp xây dựng vẫn đang được khai thác tốt cả về mặt công năng và thẩm mĩ. Cùng với thời gian, di sản đô thị được hiểu là một cấu trúc không gian lịch sử của đô thị, với những công trình kiến trúc được bố trí hài hòa với không gian hợp lý xung quanh, như các biệt thự, bảo tàng, nhà băng, nhà hát, nhà thương… Những hình ảnh đẹp một cách bài bản như Nhà hát Lớn, nhà thờ, công viên, những ngôi trường, công sở rợp bóng cây xanh, với hành lang rộng cùng những ô cửa cao, ngập tràn ánh sáng… đến nay vẫn còn nguyên giá trị về mặt kiến trúc, không hề lạc hậu và chẳng dễ lỗi thời. 

Ông NGUYỄN MINH TUẤN - Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hải Phòng:Đô thị Hải Phòng là đô thị có từ lâu đời, từ mấy trăm năm. Một đô thị văn minh, có tính chất văn hóa và văn hiến. Chúng tôi có những dòng sông đã đi vào thơ ca. Trong những năm phát triển gần đây, thành phố rất quan tâm xây dựng những con cầu và các đô thị dọc sông, để giữ lại vẻ đẹp vốn có của những dòng sông ngày trước”. 

Hệ thống di sản kiến trúc cận - hiện đại phản ánh sự chuyển biến về đời sống kinh tế, xã hội trong các giai đoạn hình thành và phát triển đô thị ở Việt Nam. Đó là những công trình có giá trị thẩm mĩ cao, thường nằm ở vị trí trung tâm đắc địa, nên tạo thành điểm nhấn đô thị, ghi được dấu ấn trong lòng người dân và du khách; vì thế, những giá trị đó cũng chứa đựng tiềm năng phát triển về văn hóa, du lịch. Việc gắn kết giá trị di sản với phát triển đô thị sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương cũng như trên quy mô toàn quốc.

Thực hiện : Thiện Đoan Bích Liên Minh Tiến