Với truyền thống văn hóa cùng bề dày lịch sử lâu đời, Việt Nam nói chung và các đô thị lớn nói riêng đang sở hữu rất nhiều tài sản văn hóa, chứa đựng trong mình những nội hàm có giá trị đặc biệt. Đó có thể là các hiện vật, di tích lịch sử, cũng có thể là các di sản văn hoá phi vật thể… và không thể không kể đến các công trình kiến trúc đã tồn tại hàng trăm năm, trở thành biểu tượng.
Một trong những mục tiêu định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đó là “Phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam, đồng thời quảng bá kiến trúc Việt nam ra thế giới”. Chính vì vậy, cân bằng giữa bảo tồn và phát huy các di sản kiến trúc đô thị gắn với quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá mà không làm mất đi giá trị nội tại của nó là một bước đi quan trọng trong bảo vệ các di sản đô thị.
Hệ thống các công trình di sản kiến trúc đô thị vô cùng lớn mang đậm dấu ấn văn hoá, lịch sử của nhiều thời kỳ phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cần phải ứng xử như thế nào với các di sản kiến trúc cũ, thổi vào đó một đời sống mới thay vì phá bỏ đi những công trình thuộc về quá khứ và biến các đô thị trở thành một chiếc vỏ trống rỗng ký ức, thiếu vắng các giá trị nội tại về văn hoá và lịch sử. Đó sẽ là những câu hỏi mà chúng ta cùng đi tìm lời giải trong chương trình hôm nay.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này cùng trao đổi, bàn luận về vấn đề này với vị khách mời của chương trình Di sản Việt Nam hôm nay: PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi nội dung chương trình!
Thực hiện : Linh Chi Hải Linh