Di sản Việt Nam |Số 29|: Bảo tồn di sản công nghiệp

Khái niệm Di sản Công nghiệp không còn xa lạ với nhiều nước phát triển, thậm chí là họ đã thành lập Uỷ ban Quốc tế nghiên cứu và bảo tồn Di sản Công nghiệp gọi tắt là TICCIH từ năm 2003. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì khái niệm này mới thực sự được để tâm, quan tâm và bàn luận nhiều trong khoảng 5 năm trở lại đây

Nhà máy Dệt Nam Định tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan lập ra từ cuối thế kỷ XIX. Năm 1900 một số tư bản Pháp trong Công ty bông vải sợi Bắc Kỳ, đứng đầu là Dupré, hùn vốn với một tư sản người Hoa là Bá Chính Hội cùng tổ chức sản xuất, kinh doanh…Dưới thời Pháp thuộc, Nhà máy dệt Nam Định được biết đến là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Vào năm 1924, số công nhân của Nhà máy đã lên tới 6 ngàn người. Đến năm 1929, Nhà máy đã có quy mô 135 máy dệt. Năm 1939, nhà máy phát triển lên với quy mô 3 nhà sợi, 3 nhà dệt, 1 xưởng nhuộm, 1 xưởng chăn, 1 xưởng cơ khí, 1 xưởng động lực... đến năm 1954, Nhà máy Dệt Nam Định được Nhà nước tiếp quản từ phía thực dân Pháp. Cơ sở sản xuất này từng có thời kì đưa Thành phố Nam Định là thành phố công nghiệp lớn thứ 3 ở Miền Bắc và hình ảnh nữ công nhân Nhà máy Dệt Nam Định đang đứng máy cũng rất quen thuộc khi được in trên tờ tiền Việt Nam, mệnh giá 2000 đồng.

Xưởng Ba Son (hay nhà máy đóng tàu Ba Son) nguyên là thủy xưởng nằm trên ngã ba sông, tiếp giáp giữa sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè. Xưởng có diện tích 26 hecta, có đường ven sông 2000m, trong đó có 6 cầu cảng tổng cộng 750m. Đến 1861, dưới thời Pháp, chính quyền Pháp mới bắt đầu cho xây dựng một ụ nhỏ cùng lán trại tại thủy xưởng. Mục đích là để sửa chữa thuyền chiến, phục vụ cho công cuộc xâm chiếm nước ta. Tháng 4 năm 1863, Chính phủ Pháp chính thức tổ chức, xây dựng và điều hành Nhà máy đóng tàu Ba Son. Nhà máy đóng tàu ba Son lúc bấy giờ được mở rộng quy hoạch, với hơn 200 kỹ sư và gần 2.000 công nhân lành nghề, cũng như mở rộng diện tích và khối lượng của ụ nổi. Từ sau giải phóng đất nước 30/4/1975, bằng những kinh nghiệm học được dưới thời Pháp và không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề, cán bộ công nhân nhà máy đóng tàu Ba Son đã luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nhà máy đã sửa chữa hàng trăm lượt tàu quốc tế, có những loại tàu lên đến 30.000 tấn và sửa chữa ngoài khơi các loại tàu hơn 150.000 tấn thu về nhiều ngoại tệ cho đất nước. 1/1/1978, dưới sự quản lý của Bộ Quốc Phòng Việt Nam, cái tên xí nghiệp Ba Sơn ra đời, trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và đến nay là Tổng công ty Ba Son. 

Nhà máy Kẽm Quảng Yên được người Pháp xây dựng năm 1921 với mục tiêu sản xuất là 6000 tấn kẽm một năm. Chủ đầu tư là công ty Mỏ và Luyện kim Đông Dương (Compagnie minière et métallurgique de l'Indochine). Tháng 4 năm 1924, nhà máy kẽm Quảng Yên được khánh thành giai đoạn một với ba lò đốt hoạt động. Nhà máy kẽm có một nhà máy điện riêng, một cảng nhập than từ Hồng Gai và một cảng xuất sản phẩm. Năm 1925, nhà máy hoàn thành giai đoạn hai với sáu lò hoạt động tổng cộng. Công suất đạt 6000 tấn một năm ngay trong năm 1925. Khoảng 1000 công nhân làm việc ở nhà máy vào cuối năm 1925. Năm 1929 là năm mà sản lượng đạt đỉnh cao nhất với 11 000 tấn kẽm một năm. Nhà máy lúc đó có hơn 1200 người Việt và 8 người Pháp. Nhà máy Kẽm Quảng Yên từng được coi là cơ sở luyện kim lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ. 

Đây chỉ là 3 trong số những cái tên nổi bật trong số những cơ sở sản xuất công nghiệp mở đầu cho quá trình chuyển đổi từ một đất nước nông nghiệp tiến dần sang công nghiệp hiện đại hóa của Việt Nam. Và có một điều đặc biệt, đa số các cơ sơ sản xuất qui mô lớn tầm cỡ khu vực này đều gắn liền với những phong trào đấu tranh rất mạnh mẽ của giai cấp công nhân qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Những địa điểm đó không chỉ đơn giản là một cái tên, một thương hiệu mà còn là một phần của lịch sử đất nước và cũng có thể coi là những giá trị di sản quí giá, đánh dấu những bước chuyển mình của đất nước. 

Thực hiện : Anh Thư