• 1899 lượt xem
  • 06:14 18/04/2022
  • Văn hóa

Di sản Việt Nam |Số 3|: Làm sao để văn hóa dân tộc thiểu số không bị mai một?

Di sản Việt Nam hôm nay sẽ bàn luận về việc di sản văn hoá dân tộc thiểu số vẫn đang biến mất bất chấp những nỗ lực bảo tồn và các hoạt động du lịch. Ngoài ra, hãy cùng nhìn ngắm vẻ đẹp và tìm hiểu giá trị của “Cặp bát sứ thấu quang – Hoàng Thành Thăng Long” – một trong 23 bảo vật quốc gia.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hoá mang sắc thái riêng và hết sức quý giá, đồng thời các nền văn hoá này lại được chung đúc để tạo nên bản sắc văn hoá đặc sắc phong phú, đa dạng của nền văn hoá Việt Nam, và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại. 

Tuy nhiên dưới tác động của dòng chảy thời gian, bối cảnh sống và quá trình hội nhập, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số cũng đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Chương trình "Di sản Việt Nam" ra đời với mong muốn cùng chung tay góp sức để bảo tồn và lan toả những giá trị của di sản Việt Nam, trong đó có di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

DÒNG CHẢY DI SẢN

Sức lan tỏa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng lớn

Chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay gắn với dịp kỷ niệm 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, có nhiều sự kiện tôn vinh, quảng bá di sản hấp dẫn và ý nghĩa diễn ra tại đất Tổ. Từ ngày mùng 1 đến hết ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, khu di tích lịch sử đền Hùng đã đón hơn 1 triệu người về dâng hương, trẩy hội. 

Bà ĐINH THỊ MINH - huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ: “Tri ân báo hiếu tới vua cha mẫu mẹ, tới các vua Hùng sau cầu cho gia đình, bản thân, xã tắc được bình an, mưa thuận gió hòa, mọi điều tươi tốt.”

Ông NGUYỄN ĐẮC THỦY - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ: “Sức lan tỏa và ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương ngày càng lớn, chúng tôi cho rằng ý thức tổ tiên dân tộc, cội nguồn khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển ngày càng lớn nên càng thu hút được sự quan tâm của người Việt trong và ngoài nước.”

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Tín ngưỡng ấy đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia để trở thành di sản văn hóa chung của cả nhân loại.

Lai Châu: Trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc

Một trong những điểm nhấn của tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Lai Châu 2022 đó là không gian văn hóa độc đáo của 20 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội được tham quan, trải nghiệm các sản phẩm đặc sản của người dân bản địa, hòa mình vào các điệu múa, điệu khèn và các trò chơi dân gian.

Chị HOÀNG THỊ NGA, Du khách: “Các dân tộc ít người cũng như tất cả các dân tộc tỉnh Lai Châu đều thể hiện những bản sắc rất riêng và nó thể hiện được tính cộng đồng và tính dân tộc của Lai Châu.”

Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu 2022 diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 14 đến 17/04/2022. Không gian văn hóa các dân tộc Lai Châu nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước những nét đẹp của tỉnh. Ấn tượng tốt đẹp đến từ du khách chính là tín hiệu khả quan giúp Lai Châu từng bước phục hồi và phát triển sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Giới thiệu hàng nghìn đầu sách tại chuỗi sự kiện ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam

Sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất sẽ được khai mạc vàongày 19/04/2022 tại đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Cũng tại địa điểm này, một hội sách được tổ chức với quy mô lớn, có sự tham gia của trên 20 đơn vị xuất bản, trưng bày hàng nghìn đầu sách.

Bên cạnh đó là hội sách trực tuyến chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất để bạn đọc cả nước có thể tham gia với các nội dung: Tổ chức gian hàng của các nhà xuất bản, phát hành giới thiệu sách trực tuyến, bán sách online, nhập liệu các trường thông tin của các gian hàng phục vụ công tác bán sách hội sách trực tuyến. Dịp này, tại Hà Nội, cũng diễn ra hoạt động giới thiệu sách, quảng bá văn hóa đọc…tại phố sách Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam. 

Lễ hội Hoa Lư - Điểm nhấn của giá trị văn hóa lịch sử

Lễ hội Hoa Lư được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 9-11/3 âm lịch tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là hoạt động diễn ra hằng năm, nhằm tri ân các bậc tiên đế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, tôn vinh các giá trị văn hóa và con người Ninh Bình.

Lễ rước nước là một trong những nghi lễ chính quan trọng của Lễ hội Hoa Lư được tổ chức từ 5h sáng ngày 9/4 (tức ngày 9/3 âm lịch). Đây là lễ tục thiêng liêng, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt bội thu. 

Ông GIANG BẠCH ĐẰNG - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư: “Lễ rước nước mang nét đẹp văn hóa gắn liền với câu chuyện lịch sử của thời vua Đinh. Sông Hoàng Long cũng có ý nghĩa rất là quan trọng trong phong thủy đối với nguồn nước ở đây cũng như nguồn sinh khí tốt cho kinh đô Hoa Lư.”

Lễ hội Hoa Lư là lễ hội thường niên lớn nhất của tỉnh Ninh Bình và cũng là một trong gần 100 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Việt Nam được công nhận với đầy đủ các tiêu chí như tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa, được kế tục qua nhiều thế hệ. Bên cạnh phần lễ, phần hội được đông đảo người dân và du khách quan tâm, thích thú khi được xem và trải nghiệm những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Cùng với cố đô Hoa Lư, lễ hội Hoa Lư là một bộ phận quan trọng của Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới trong quần thể danh thắng Tràng An. 

DI SẢN VIỆT NAM

Tiếng nói, chữ viết, lễ hội, kiến trúc, trang phục, ... do các dân tộc sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn, phát triển trở thành những yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc trong di sản văn hoá của mỗi cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc thiểu số. Có nhiều giải pháp để bảo tồn văn hoá các dân tộc thiểu số trong đó có hoạt động du lịch di sản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy giá trị của các bảo tàng dân tộc ở các đô thị ... Tuy nhiên, thực tế là nhiều di sản văn hoá vẫn đang biến mất do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cùng PGS.TS NGUYỄN DUY THIỆU, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc Việt Nam bàn luận về vấn đề này.

Hòa Bình là tỉnh có dân tộc thiểu số chiếm đến hơn 74% dân số, trong đó riêng người Mường đã chiếm khoảng 64%.  Nơi đây, hiện còn lưu giữ nhiều làng, bản truyền thống, đặc biệt là kiến trúc nhà sàn xưa. Tại các làng bản này đang phát triển du lịch theo hướng bảo tồn di sản, tuy nhiên tại một số nơi, chính trong quá trình bảo tồn ấy lại đang mai một dần những nét văn hoá vốn tồn tại từ bao đời nay.

Một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Mường ở Hoà Bình cũng như ở các vùng khác, đó chính là hệ thống và kiến trúc nhà sàn. Vì thế, giữ được ngôi nhà gần như nguyên gốc đến tận bây giờ là niềm tự hào của gia đình ông Đinh Công Lon đối với du khách gần xa.

Ông Đinh Công Lon – xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình: “Trong lòng tôi lúc nào cũng canh cánh phải giữ cái nhà sàn. Sau này, các cháu lớn lên muốn nhà sàn như mình đây có khi thay đổi mốt cũng hơi khó. Muốn thế nào thì muốn cũng phải giữ được cái nhà sàn hết đời mình con cháu nữa, không muốn phai mờ nhà sàn coi như là mất gốc của dân tộc Mường mình rồi. Cái nhà tôi cũng sửa nhưng ít thôi không đáng kể.”

Tuy nhiên, không phải ai cũng đau đáu việc phải giữ bằng được nếp nhà sàn như ông Công Lon. Hiện nay, tại ngôi làng cổ xưa nhất vùng Mường Bi và cũng là điểm du lịch cộng đồng này, không ít nhà sàn truyền thống đã bị bê tông hóa vì nhiều lý do.

Bà Bùi Thị Phượng – xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình: “Nhà bê tông chẳng hạn 300 thì nhà gỗ phải 4-500 đấy. Cây cối bây giờ khó khăn nên mình mới phải làm bê tông, nhà sàn gỗ thì về văn hóa vẫn hơn rồi.”

Ông Bùi Văn Khẩn - Xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình: “Khách Tây đi ọp ẹp kêu, người trên ăn, dưới không hợp lý nên chuyển sang đổ bê tông....”

Giữ gìn các làng bản truyền thống và đưa vào khai thác du lịch gắn với di sản đã mang lại nguồn lợi kinh tế cho đồng bào và cũng góp phần khôi phục, bảo tồn nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng ở địa phương. Tuy nhiên, chính điều này cũng đang đặt ra những thách thức cho chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình trong việc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Ông Hà Văn Tiệp – Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, Hòa Bình: “Thực sự là cũng có sự pha trộn, một số nhà sàn không giữ được như ngày xưa nữa. Chủ trương chính quyền địa phương cần giữ gìn bản sắc văn hóa, nét bản sắc của nhà sàn. Khôi phục lại nghề truyền thống địa phương.”

Ông Lưu Huy Linh – Phó GĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình: “Chúng tôi đã đề xuất lựa chọn những làng, bản tiêu biểu hỗ trợ bà con bảo tồn nhà sàn, trên cơ sở vừa bảo tồn vừa phát triển điểm du lịch cộng đồng, sử dụng tài nguyên đó phục vụ khách tham quan. Cơ hội tạo điều kiện cho bà con có thu nhập quay lại thực hiện bảo tồn đối với di sản tại các làng bản truyền thống này.”

Ngoài bảo tồn kiến trúc nhà sàn, sự tiếp biến văn hóa trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng cũng là một trong những thách thức không nhỏ đối với các địa phương khi thúc đẩy phát triển du lịch. Vì vậy, để bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển cần những giải pháp đồng bộ. Và phải xác định rõ là không đánh đổi di sản để lấy lợi ích kinh tế.

Du lịch di sản bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn có tác động không tốt đến việc bảo tồn di sản, tuy nhiên nếu được triển khai một cách bài bản và đi đúng hướng thì rõ ràng vẫn là một lựa chọn khả dĩ cho việc phát huy giá trị di sản. Trong nhiều trường hợp, các du khách không thể đến được nơi các cộng đồng dân tộc đó sinh sống thì có thể chọn trải nghiệm ở một không gian khác, đó là trong các bảo tàng dân tộc hay là trong làng văn hoá du lịch. 

Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng là công trình kiến trúc đặc sắc, hình thành cách đây hơn 100 năm, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hoá. Bảo tàng còn lưu giữ các kiến trúc điêu khắc đặc sắc riêng có, phản ánh tín ngưỡng văn hoá của người Chăm xưa. 

Du khách tham quan bảo tàng khi qua bảo tàng thì thấy được tái hiện lại nền văn minh của ông cha ta ngày xưa và nghe thuyết minh về cổ vật và hiện vật thì mở mang được rất nhiều điều.

Ông MIEZE HENRI AUD CONZINNE - Du khách Pháp: “Bảo tàng thật đẹp bởi có nhiều kiến trúc và văn hoá của người Chăm, nhiều dấu tích và văn hoá xưa nay”.

Tại khu vườn kiến trúc dân gian ở Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, có nhà sàn của người Tày, nhà rông của người Bana, nhà mồ của người Gia rai, nhà dài của người Êđê, nhà nửa sàn nửa trệt của người Dao, nhà gỗ Pơ mu của ngươi Mông ... Bên cạnh đó, các tư liệu về công cụ sản xuất, trang phục, các nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số cũng là nét hấp dẫn thu hút khách du lịch. Ngoài ra, bảo tàng cũng tổ chức các hoạt động giới thiệu chuyên sâu giá trị văn hoá các dân tộc cũng như hoạt động giáo dục trải nghiệm. 

Bảo tàng các dân tộc Việt Nam ở trung tâm Thành phố Thái Nguyên cũng có một khu vực trưng bày 54 dân tộc ở Việt Nam với rất nhiều hoạt động trải nghiệm dành cho các du khách.

Ngoài ra, còn có làng văn hoá các dân tộc Việt Nam, bảo tàng các dân tộc ở các vùng văn hoá, bảo tàng các tỉnh thành và các không gian trưng bày văn hoá khác cũng góp phần trưng bày, giới thiệu về các nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Ông CHU TUẤN THANH - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi: “Không chỉ trẻ con mà cả người lớn nữa, nhiều người không đi ra khỏi thành phố, họ không biết thì đi vào làng văn hóa có giá trị, nhận thức về giá trị văn hoá dân tộc, người dân tộc mặc dù trong phạm vi không gian hẹp nhưng vẫn thể hiện được các đặc trưng. Tuy nhiên, hệ thống này rất ít và vẫn còn  cần mở không gian văn hoá thêm.”

Không chỉ giúp du khách hình dung khái quát cơ bản đặc điểm của các dân tộc mà ở một số bảo tàng còn lưu giữ cả chặng đường lịch sử phát triển của cả dân tộc đó. Việc tham quan bảo tàng cũng giúp du khách làm giàu cho mình vốn hiểu biết về nền văn hoá đậm đà bản sắc của nước ta. 

Trong thực tế, vẫn có nhiều dân tộc đã bị đồng hoá bởi các dân tộc khác, dẫn đến nguy cơ mất cả trang phục, giọng nói, kiến trúc nhà cửa và thay đổi công cụ  sản xuất... một trong số đó là dân tộc Ơ đu - một trong những dân tộc rất ít người ở Việt Nam.

Bản Môn Văng, xã Nga My, huyện Tương Dương là nơi tập trung đông người Ơ Đu nhất, với hơn 440 người. Hiện nay, người Ơ Đu sử dụng tiếng Thái, tiếng Khơ Mú và tiếng Việt, cả bản hiện chỉ có ông Lo Thanh Bình còn nói được tiếng Ơ Đu. 

Ông LO THANH BÌNH - bản Môn Văng, xã Nga My, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An: “Tiếng nói không ai biết được nữa vì lớp già mất hết, nếu có chăng nữa thì không ai nói vì ít người biết quá, tôi muốn trao đổi với các anh các chị bằng ngôn ngữ Ơ Đu thì không biết, tôi cũng không dám nói nữa vì sợ họ nghi cho mình nói xấu thế này thế khác, nên mất dần tiếng nói. Trước đây, có vài cụ ngồi nói với nhau thì được đôi đoạn thôi, không biết hết được..”.

Trang phục của người Ơ Đu cũng mới được người dân sưu tầm và khôi phục lại trong thời gian chưa lâu, tuy nhiên hiện nay nhiều người Ơ Đu vẫn chưa có trang phục.

Bà MẠC THỊ TÍM - Trưởng thôn Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An: “Chúng tôi rất khó khăn để sưu tầm lại được trang phục, do nhiều gia đình không có trang phục nên chúng tôi đề nghị Sở Văn hóa và được hỗ trợ”.

Hiện nay trong bản Văng Môn chỉ còn căn nhà này được cho là giống nhất với nhà ở truyền thống của người Ơ Đu nhưng cũng chỉ giống được khoảng 50%. Những khu nhà tái định cư được xây dựng mới quá xa lạ với người Ơ Đu, nhiều hộ gia đình đã không sống trong không gian chính của ngôi nhà do thấy không phù hợp, đặc biệt là khu vực bếp, hầu như không có gia đình nào sử dụng.

Chị LƯƠNG THỊ THU HẰNG - người dân Thôn Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An: “Nét văn hóa cơ bản của người dân tộc Ơ Đu là nhà ở, nơi cư trú của người Ơ Đu khác hẳn với dân tộc khác, từ khi di dời đến nay nhà ở khác hẳn, không phù hợp với người dân.”

Mặc dù huyện Tương Dương cũng đã tích cực triển khai các biện pháp để bảo tồn văn hoá dân tộc Ơ Đu nhưng nguy cơ mai một văn hoá dân tộc vẫn luôn hiện hữu khi không gian sinh tồn và không gian văn hoá của chính họ đã bị thay đổi. 

Có rất nhiều vấn đề để nói về công tác bảo tồn di sản văn hoá các dân tộc thiểu số. Những câu chuyện ấy không bao giờ cũ bởi vì bên cạnh sự tiếp biến một cách tích cực trong văn hoá dân tộc của các cộng đồng thì thách thức bị mai một và biến tướng vẫn luôn tồn tại. 

Chương trình hôm nay chỉ xin góp một vài thông tin nhỏ như vậy, hi vọng mỗi một người chúng ta có thêm một góc nhìn đúng về việc bảo tồn các di sản văn hoá dân tộc thiểu số, tôn trọng sự khác biệt, trân quý những giá trị đặc sắc để chung tay cùng với cộng đồng và nhà nước bảo tồn và phát huy những di sản, vì một Việt Nam luôn mang bản sắc riêng và đặc sắc trong dòng chảy văn hoá của nhân loại.

BẢO VẬT QUỐC GIA

Trước thời điểm diễn ra cuộc khai quật di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu, Hà Nội vào năm 2002, giới nghiên cứu lịch sử ở nước ta gần như không có ý niệm về đồ sứ Thăng Long hay những đồ gốm sứ đích thực của Việt Nam được dùng trong hoàng cung Thăng Long qua các triều đại. Song, với những phát hiện quan trọng tại khu di sản này, lần đầu tiên giới chuyên môn mới hình dung rõ nét những đồ gốm được gọi là “đồ ngự dụng” dành riêng cho các bậc đế vương tại kinh thành Thăng Long xưa. 

Trong chuyên mục Bảo vật Quốc gia hôm nay, cùng nhìn ngắm vẻ đẹp và tìm hiểu giá trị của “Cặp bát sứ thấu quang – Hoàng Thành Thăng Long” – một trong 23 bảo vật quốc gia mới được công nhận trong năm 2021 vừa qua và hiện được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long.

Cặp bát sứ thấu quang - Hoàng thành Thăng Long 

Cặp bát sứ thấu quang (hay còn gọi là sứ men trắng vân in), được tìm thấy trong lớp trầm tích chứa nhiều hiện vật gồm đồ sành, gốm men thời Lê sơ, khi các nhà khoa học thực hiện đợt khai quật khảo cổ quy mô lớn chưa từng có vào năm 2002 tại Hoàng Thành Thăng Long. Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, mặc dù có chút khác nhau về kích thước nhưng cấu trúc, đề tài và kỹ thuật trang trí hoa văn trên 2 bát giống nhau gần như hoàn toàn. 

Đồ án hoa văn chính là đôi rồng được thể hiện trong tư thế đang bay lượn trong mây tạo thành hình vòng tròn trên thành bát, hướng vận động theo chiều kim đồng hồ. Đặc biệt, giữa lòng bát in nổi một chữ quan, có nghĩa là sản phẩm của lò quan - lò do quan xưởng thiết lập, chuyên sản xuất các vật dụng dành cho triều đình. Từ những dữ liệu thu được, các nhà khoa học đã có bằng chứng xác thực về sự tồn tại của đồ ngự dụng thời Lê sơ – giai đoạn lịch sử mà nhiều dấu tích của hoàng cung xưa bị phá hủy nghiêm trọng. 

TS PHẠM QUỐC QUÂN - Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia: “Có lẽ là trong các giai đoạn đồ gốm Việt Nam thì thế kỉ 15 là đỉnh cao nhất, khi nó tỏa ra được bên ngoài và cạnh tranh được với cường quốc gốm sứ. Nguyên liệu làm ra những xương gốm họ chọn rất kĩ, họ lọc rất kĩ, không có những tạp chất bẩn. Do vậy, khi người ta tạo ra những sản phẩm gốm bằng những phôi ban đầu thì người ta thấy rằng cái tính hoàn thiện của nó không bị ảnh hưởng, không bị hỏng. Trên mặt của phôi gốm làm kĩ như thế, khi họ in các hoa văn ở trên đó nó rất là tỉa tót, rất là chi tiết.”

Chỉ một chút ánh sáng chiếu vào thành bát, người xem dễ dàng chiêm ngưỡng những họa tiết hoa văn vô cùng sắc nét. Theo phân tích của các nhà khoa học, để có thể đạt được độ thấu quang như vậy, bát phải được làm từ loại cao lanh có độ tinh khiết rất cao, cùng với một phương pháp nung đặc biệt, để sản phẩm có thể đảm bảo cùng lúc hai yếu tố: mỏng – nhẹ nhưng vẫn rất chắc chắn.

TS PHẠM QUỐC QUÂN - Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia: “Chúng tôi tìm thấy 3 loại hình nung, trong đó có 1 loại hình nung trong bao, chỉ có độc nhất một hiện vật thôi. Hai cái bát sứ ở Hoàng cung Thăng Long chính là chỉ nung một hiện vật. Một bao như thế là một hiện vật, đó là một đẳng cấp, một kĩ nghệ đòi hỏi rất cao.”

Đặc biệt, theo đánh giá của các nhà khoa học, kỹ thuật tạo dáng và in ấn hoa văn của hai hiện vật quý hiếm của hoàng cung thời Lê sơ này đã thể hiện một bước phát triển mới trong kỹ thuật sản xuất gốm sứ. Đây là phát hiện vô cùng quan trọng và có ý nghĩa khoa học lớn trong lịch sử nghiên cứu gốm cổ Việt Nam, khi lần đầu tiên chúng ta tìm thấy bằng chứng chắc chắn về sản phẩm của lò quan Thăng Long, chuyên chế tác đồ sứ cao cấp dành riêng cho nhà vua sử dụng trong Hoàng cung. 

NƠI NÀY NĂM XƯA

Người ta nói, những ai từng đến Hà Nội, chỉ cần một ngày lang thang trên mỗi góc phố của Hà Nội, đó sẽ là những ký ức mãi mãi được lưu dấu. Hà Nội hào hùng cho ta niềm tự hào, Hà Nội bình dị cho ta ấm áp, và Hà Nội cổ kính cho ta những hoài niệm. Chính vì vậy sẽ không ngạc nhiên thấy nhiều người yêu Hà Nội bày tỏ những tiếc nuối khi toà nhà 61 Trần Phú đang bị phá bỏ. 

"Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công
Đường thênh thang Ba Đình lịch sử
Đường tấp nập Hoàn Kiếm Đồng Xuân
Nghe náo nức trong lòng
Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ"…

Chỉ tính riêng ngày 19/5/1967, lực lượng phòng không không quân cùng với quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ, trong đó có một máy bay rơi ở khu vực này. Chiến thắng này được dâng lên mừng sinh nhật Bác 77 tuổi.

Hà Nội sục sôi đánh Mỹ đã ghi vào lịch sử những con số đáng tự hào, chỉ trong tháng 5/1967, quân và dân HN đã bắn rơi 35 máy bay Mỹ. Bức phù điêu đã ghi dấu sự kiện lịch sử vẻ vang ấy của Thủ đô. 

Kiến trúc sư TRẦN HUY ÁNH: “Chỉ hai ngày sau máy bay rơi như vậy, tấm bia đã được dựng lên với đầy đủ thông tin với đầy đủ những kỷ niệm mà mỗi lần những người Hà Nội đi qua khu vực này đều có thể hồi ức lại cả một giai đoạn Hà Nội hào hùng chúng ta thắng giặc ngay trên bầu trời Hà Nội. Chúng ta nhớ đến lời dạy của Bác Hồ, “Hà Nội, Hải phòng và những thành phố khác có thể bị tàn phá nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập tự do, đến ngày thắng lợi, chúng ta sẽ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn””.

Công trình toà nhà Pháp cổ tại 61 Trần Phú này là trụ sở của Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện, đơn vị đã có nhiều thành tích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp sức cùng quân và dân Hà Nội bắn rơi máy bay Mỹ ngày 19/5/1967. Công trình kiến trúc này không chỉ đẹp riêng biệt mà còn góp thêm sự phong phú tạo ra nét hài hoà trong tổng thể kiến trúc thành phố Hà Nội.

Kiến trúc sư TRẦN HUY ÁNH: “Toà nhà này là đóng góp như nhân chứng của một giai đoạn kiến trúc đô thị Hà Nội, đánh dấu giai đoạn Hà Nội bước ra khỏi thành phố của kinh thành nông nghiệp hiện đại hội nhập. Khi đến khu vực này, người ta nhận diện được đường phố này qua sự trầm mặc của nó, tĩnh lặng của nó, trong đường phố nhộn nhạo, biến đổi không ngừng thì ngôi nhà như một mốc giới nhận diện bắt đầu vào khung cảnh mới của không gian quảng trường Ba Đình. Có những mốc giới kỷ niệm, có những hình ảnh thị giác để người ta hồi ức lại không phải chỉ thị giác mà cả lối sống, văn hoá người ta trải qua, đó là nền móng vững chắc để để đi đến tương lai mạnh dạn và sáng tạo hơn.”

Hà Nội là thành phố cổ với hơn nghìn năm văn hiến, Hà Nội cổ kính nhưng trong nét cổ kính ấy của Hà Nội đã có những pha trộn của hơi thở đương đại, điều đó luôn khiến lòng người mênh mang hoài niệm về một thời đã xa. Trong chặng đường phát triển, mỗi một đô thị có thể cũng không tránh khỏi những pha trộn ấy, nhưng quan trọng là đô thị ấy phải luôn giữ được bản sắc và có thể kết nối hiện tại với quá khứ. 

Trong chuyên mục Nơi này năm xưa, chúng tôi không bàn về những đúng sai trong những sự thay đổi ấy, chỉ muốn gợi lại một địa danh của Hà Nội với rất nhiều những hoài niệm đẹp đẽ, để mạch nguồn văn hoá Hà Nội luôn chảy mãi từ quá khứ đến hiện tại và đi tiếp trong tương lai, đó cũng là một phần bản sắc của Hà Nội.