Di sản Việt Nam |Số 32|: Sức hút của cổ vật Việt Nam trên trường quốc tế và nỗ lực hồi hương

Cổ vật Việt Nam được đưa ra đấu giá ở các thị trường nước ngoài không phải là câu chuyện hiếm. Tuy nhiên, chỉ khi chiếc ấn triều Nguyễn “Hoàng đế chi bảo” được hãng đấu giá Millon đưa lên sàn đấu giá với mức giá khởi điểm từ 2-3 triệu Euro thì dư luận mới thực sự quan tâm nhiều đến câu chuyện hồi hương những cổ vật có giá trị đặc biệt. Song việc hồi hương cổ vật không phải điều dễ dàng.

Tại phiên đấu giá do hãng Millon (Pháp) tổ chức ở Paris trưa 31/10, bát vàng “Khải Định niên tạo” đã được đấu giá thành công với giá gõ búa là 680.000 euro (Mức giá này không bao gồm thuế, phí). Trước đó, giá khởi điểm cho bát vàng được hãng Millon đưa ra là 20.000 - 25.000 euro (tương đương 370 triệu đồng). Như vậy, số tiền sau đấu gía chênh lệch hơn 40 lần so với giá khởi điểm. Điều này đã phản ánh thực tế, các cổ vật triều Nguyễn của nước ta đang có sức hút mạnh mẽ trêm thị trường quốc tế. Cũng trong phiên đấu giá 31/10, nhà đấu giá Millon đã công bố việc hoãn đấu giá chiếc ấn Hoàng Đế chi bảo (lô 101) đến ngày 10/11.
 
Tràn ngập trên các trang mạng xã hội thông tin về cuộc đấu giá hiện vật chiếc ấn triều Nguyễn “Hoàng đế chi bảo” vào ngày 31/10 trên trang web đấu giá của hãng Millon Pháp. Nhiều tít báo đã gọi đây là cổ vật có giá trị nhất của Việt Nam xuất hiện trên sàn đấu giá nước ngoài. Điều này cũng đúng khi mà giá khởi điểm được công ty Millon đưa ra dự kiến từ 48-72 tỷ đồng. Và trên thực tế, nếu xét về lai lịch của chiếc ấn này thì quả thực đây là hiện vật có giá trị lịch sử rất đặc biệt.
 
“Hoàng đế chi bảo” là hiện vật quan trọng trong bộ sưu tập Kim Bảo Tỷ của triều Nguyễn, thường được dùng đóng lên những văn kiện có chữ ký của nhà vua như sắc phong, đất đai….Điều đặc biệt, đây là chiếc kim ấn mà vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã trao cho đại diện chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn, chính thức chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở nước ta. Chính vì vậy, dù chưa được công nhận chính thức nhưng đối với nhiều người thì “Hoàng đế chi bảo” vẫn được coi là Bảo vật Quốc gia của dân tộc. Thế nên, mong muốn hồi hương chiếc ấn này về lại nơi khởi nguồn cũng là điều dễ hiểu.
 
Ngay sau khi thông tin chiếc ấn Hoàng đế chi bảo triều Nguyễn được đưa ra đấu giá tại Pháp, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã có những chỉ đạo kịp thời để nắm bắt thông tin sự việc. Và chỉ sau 10 ngày tiếp xúc, tiếp cận làm việc với đối tác, hãng Millon đã ra thông báo lùi ngày đấu giá hiện vật, và mới nhất, hãng đã chính thức thông báo, đưa hiện vật ấn Hoàng đế chi bảo ra khởi danh mục đấu giá của hãng. Mặc dù đến thời điểm này kết quả chưa ngã ngũ, nhưng điều này đã mở ra những tia hi vọng về cuộc hồi hương cổ vật đầy bất ngờ này. Bất ngờ là bởi, nếu không có sự việc ấn được đưa ra đấu giá, có lẽ ít ai biết đến sự tồn tại của chiếc ấn này, hoặc có biết nhưng cũng không thể biết, chiếc ấn hiện đi đâu về đâu.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Anh Thư