• 1027 lượt xem
  • 01:46 18/01/2023
  • Văn hóa

Di sản Việt Nam |Số 41|: Khó khăn trong bảo tồn trang phục truyền thống

Mặc dù chúng ta đã có Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" với thời gian thực hiện từ năm 2019 đến năm 2030, tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn trong bảo tồn các trang phục truyền thống. Vậy đâu là nguyên nhân?

Trong không gian ấm áp của căn bếp nhỏ hồng rực ánh lửa, hình ảnh những người phụ nữ Dao đỏ cần mẫn tạo nên những bộ trang phục truyền thống đã trở nên vô cùng quen thuộc ở bản Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Qua thời gian, những bộ trang phục này đã trở thành niềm tự tôn và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của những người phụ nữ Dao đỏ. Thế nhưng việc giới trẻ đang ngày càng thờ ơ, xa cách với trang phục truyền thống là một nỗi niềm trăn trở với những thế hệ trước.

Những bộ trang phục truyền thống được gửi gắm nhều ý nghĩa là thế nhưng những người phụ nữ dân tộc trân quý và sử dụng trang phục truyền thống hàng ngày như mẹ con chị Mẩy không còn nhiều. Sự mai một trang phục truyền thống khiến đồng bào dân tộc chỉ sử dụng trang phục truyền thống của mình vào những ngày lễ, Tết hay dịp đặc biệt nào đó khiến những bộ trang phục gần như trở thành một thứ lễ phục không còn thân thuộc với đời sống sinh hoạt của người dân.

Với những giá trị văn hoá lịch sử được kết tinh, mỗi hoa văn, hoạ tiết, hay màu sắc, kỹ thuật dù là nhỏ nhất tạo nên các bộ trang phục truyền thống đều mang một ý nghĩa gửi gắm, một câu chuyện riêng về văn hoá các dân tộc. Cũng vì lẽ đó mà các bộ trang phục truyền thống chính là những giá trị di sản văn hoá vô giá mà mỗi dân tộc cần phải lưu giữ.

Hải Linh