Cổ vật là nơi chứa đựng nhiều thông điệp văn hóa, nghệ thuật độc đáo của lịch sử văn hóa mỗi dân tộc. Một dân tộc sẽ mất đi, đứt gãy với quá khứ nếu người dân không biết trân quí cổ vật. Ở nước ta, cùng với thời gian, điều kiện kinh tế, văn hóa, giáo dục phát triển & sự cho phép của Luật Di sản văn hóa đã dần hình thành một lớp người sưu tầm cổ vật.
Cổ vật là cổ khí tồn tại rất nhiều năm nên có sinh mệnh như con người. Vì nó có sinh mệnh nên nó có số phận. Và số phận cổ vật lại phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm, cái tầm, vào trí tuệ và bản lĩnh của người sưu tầm. May mắn thay, nhiều cổ vật Việt, dù nằm dưới lòng đất sâu 400-500 năm hay tha phương muôn nơi khắp chốn vẫn được đón về trong vòng tay yêu thương, trân quí của những người Việt sưu tầm cổ vật có tâm, có tầm.
Trong trường quay hôm nay, chúng tôi đã mời đến một vị khách mời còn rất trẻ nhưng có một tuổi đời đáng nể về sưu tầm cổ vật, xin trân trọng giới thiệu chị Tuyết Nguyễn. Trước khi đến với những chia sẻ của chị Tuyết Nguyễn, mời quí vị cùng gặp gỡ với một trong những người Việt say đắm văn hóa, say đắm những tâm hồn tài hoa của cha ông.
NGƯỜI THẦM LẶNG GIỮ GÌN DI SẢN VIỆT
Có lẽ, bất kỳ ai lần đầu đến thăm với ngôi nhà cổ hơn 200 tuổi của anh Phạm Văn Nhân đều ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước ngôi nhà gỗ đặc biệt, gìn giữ sự giao thoa văn hóa của Việt - Pháp. Ngôi nhà được làm bằng những cột gỗ to với rường cột, mái ngói rất Việt nhưng độ cao của cột, sự phóng khoáng của kiểu cổng vòm Gothic rất phương Tây. Một sự kết hợp văn hóa Á Đông và Tây Phương độc đáo và hoàn mỹ. Trong ngôi nhà đặc biệt ấy, hàng ngàn cổ vật Việt được hiển lộ. Chiếc lư hương bằng đồng từ thời vua Lê, chiếc kiệu để rước hoàng hậu chưa rõ niên đại, những chum tiền cổ được anh gìn giữ khéo léo.
Qua câu chuyện với anh Phạm Văn Nhân - người bỏ nhiều công sức tìm kiếm, trùng tu, cất giữ ngôi nhà này, chúng tôi hiểu, anh có một tình yêu tha thiết với cổ vật từ rất sớm.
Nhà sưu tầm cổ vật PHẠM VĂN NHÂN: “Tôi được sống trong một ngôi làng mà các cụ xung quanh tôi rất yêu cổ vật, từ ngày xưa các cụ đã có ý thức sưu tầm, tôi bị cuốn vào tình yêu cổ vật ấy của các cụ… Tôi sưu tầm cổ vật khi chưa lập gia đình, cứ mải miết tìm kiếm, rồi cất giữ, có khi không có tiền nhưng mê quá vẫn chơi cổ vật…”.
Những món cổ vật của anh Nhân phần lớn đều có số phận “tha hương” và được anh bỏ số tiền lớn “hồi hương” trong niềm trân quí vô biên. Rất nhiều các cổ vật của anh có giá trị. Trong số đó có bộ áo Nhật Bình của hoàng hậu Nam Phương, bộ Áo Nhật Bình của Bà Chúa Nhất, tên thật là Nguyễn Phúc Tốn Tùy, trưởng nữ của vua Dục Đức và là chị gái của vua Thành Thái; áo thêu dệt Mẵng Lan – áo mặc của Tòng Nhất phẩm (quan võ) được mặc dự lễ ngoài trời khi duyệt binh hoặc tịch điền, thuộc triều vua Khải Định; áo tấc dệt Mẵng Lan - áo mặc khi vào chầu của quan lớn triều đình ngự tiền thị vệ Tòng Nhị phẩm (quan văn) triều Nguyễn thời Vua Khải Định. Đặc biệt có đôi chân đèn cách đây gần 7 thế kỷ, theo minh văn trên thân chân nến ghi chép lại, đôi chân đèn do An Nam hoàng đế Lê Nhân Tông ký tặng Nhật hoàng Taihey vào thế kỷ 15.
Nhà sưu tầm cổ vật PHẠM VĂN NHÂN: “Được giữ lại trong tay những đồ lưu lạc khắp nơi, tôi rất vui, nhất là những bộ quần áo, vật dụng của cha ông, những con người cụ thể, giữ lại được những vật dụng mà các ngài dùng tôi rất vui…”.
Chỉ riêng gốm sứ cổ, anh Nhân có đủ gốm của Hán và Việt. Gốm Việt từ thời Lý, Trần, Lê, Trịnh, đặc biệt trong đó có bộ gốm của triều đình Lê – Trịnh nhưng do Trung Quốc sản xuất. Đây là những món đồ do các quan đi sứ, cống nạp đặt hàng. Minh văn trên mỗi món đồ cho thấy rõ lịch sử của từng món đồ với 7 hiệu đề khác nhau: Nội phủ thị trung, nội phủ thị hữu, nội phụ nam, nội phủ thị đông, nội phụ thị bắc, nội phụ thị đoài, thứ 7 nội đề riêng là khánh xuân thị tả.
Nội phủ thị trung là chỉ dùng riêng cho vua & trong cung vua; nội phụ thị hữu là đồ dùng cho vua và hoàng hậu, nội phủ thị đông là dùng cho các hoàng tử, thái tử; nội phủ thị đoài và nội phủ thì bắc, nội phủ thị nam là dùng cho các cung nữ. Riêng khánh xuân thị tả dùng chung cho cả phòng khách, lúc lễ tiệc, hội hè… Điều đáng nói, những món đồ này phần nhiều bị lưu lạc ở nước ngoài.
Nhà sưu tầm cổ vật PHẠM VĂN NHÂN: “Giữ gìn đồ cổ để lúc có thời gian ngắm nghía, nghiên cứu về văn hóa cha ông… Mong muốn con cháu cũng theo giữ nề nếp. Với người chơi đồ cổ, tâm không bị nhiễu loạn như nhiều thú chơi khác…”.
Cổ ngoạn dưỡng tâm, cổ vật dưỡng thần, những người chơi cổ vật ngoài niềm tin rèn luyện cho thân, tâm, trí mình tĩnh tại, họ đã và đang góp phần gìn giữ một phần di sản quan trọng của văn hóa Việt cho thế hệ tương lai.
Mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi với chị Tuyết Nguyễn!
Luật Di sản văn hóa năm 2001 và sửa đổi bổ sung năm 2009 trở thành động lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, trong đó có lĩnh vực di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia, tuy nhiên đã 20 năm trôi qua, bên cạnh những quy định có giá trị, cần được kế thừa và phát huy thì cũng còn có những điều quy định chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn sôi động của cuộc sống, cần được nhìn nhận và đánh giá lại, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Xã hội hóa sâu hơn lĩnh vực cổ vật, sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị của cổ vật cần phải được sự quan tâm nhiều hơn, nhiều người đang nhắc đến một thị trường cổ vật thật giả lẫn lộn đang chi phối và làm ảnh hưởng đến niềm đam mê, sưu tầm của nhiều nhà sưu tầm cổ vật . Đây chính là trăn trở của những người yêu cổ vật và cả những nhà quản lý trong lĩnh vực này.
MONG MỎI MỘT THỊ TRƯỜNG CỔ VẬT MINH BẠCH
So với bộ sự tập của anh Phạm Văn Nhân, anh Vũ Văn Hòa tự nhận bộ sưu tập của mình còn rất khiêm tốn. Khiêm tốn nhưng không có nghĩa là không có những món hàng độc, hay đặc biệt quí hiếm. Cụ thể, chiếc chum gốm Chu đậu có niên đại từ thế kỷ XV, XVI của anh là một cổ vật độc nhất vô nhị. Chum gốm cổ này đã nằm dưới lòng đất 6-7 trăm năm trước khi hoàn thổ đến tay anh.
Đối với bất kỳ nhà sưu tầm cổ vật nào, khi đã hữu duyên sở hữu một món đồ quí trong tay họ đều ý thức rằng những món đồ đó của cha ông có cả ngàn năm tuổi, trong chiến tranh loạn lạc nằm sâu dưới lòng đất, đáy biển, rồi người nước ngoài mang đi... Giờ trở về, họ trân quí lắm, giữ gìn lắm... Không dám mở loa to sợ cả độ rung của âm thanh làm rạn men, nứt men... Hạnh phúc lắm, cầm trên tay mà vã mồ hôi, xúc động...
Có thể khẳng định, những người đam mê cổ vật thực sự thường là những người tinh tế, bài bản, am hiểu lịch sử, văn hóa và họ chính là những người bỏ tiền túi để giữ gìn di sản văn hóa quý báu cho hôm nay và mai sau. Do đó, xét ở mọi khía cạnh thì việc sưu tầm cổ vật chân chính cần được khuyến khích phát triển, song thực tế việc thiếu một thị trường cổ vật minh bạch khiến cho giá trị cổ vật thật giả lẫn lộn.
PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia: “Đại gia tiền nhiều nhưng tri thức cổ vật chưa có... Mua phải bản sao, không phải nguyên gốc, cứ tưởng cổ vật bày trang trọng. Giới chuyên môn đến, họ biết không phải cổ vật nhưng ngại nói ra... Phải có hội đồng thẩm định thì sân chơi sẽ lành mạnh hơn”.
Nhà sưu tầm cổ vật PHẠM VĂN NHÂN: “Nhiều người mua đồ về, tin rằng đó là đồ tốt. Đến khi đưa ra giao lưu với nhau mới phát hiện ra đồ giả. Họ đập đi, bực tức, dễ nản... bỏ cuộc chơi...”.
Nhà sưu tầm cổ vật VŨ VĂN HÒA: “Những người yêu cổ vật ở Việt Nam mong mỏi từ rất lâu rồi là làm sao để có một sàn đấu giá, nếu sàn đấu giá ra đời sẽ đạt được nhiều tiêu chí... Họ sẽ là những trung tâm kiểm định uy tín, có chất lượng cho những món đồ, đồ thật, đồ giả... Có những món đồ không phải là đồ giả nhưng còn non tuổi đã rất khác về giá trị rồi... Có sàn đấu giá như ở nước ngoài hình thành, người chơi sẽ biết được giá trị món đồ đó đúng thời, đúng đồ, đúng giá trị, khi đó lớp trẻ họ có căn cứ và từ đấy họ có niềm tin và mong muốn sở hữu cổ vật quí của ông cha”.
PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia: “Có lẽ ta phải chấp nhận thị trường cổ vật ở trên đất nước ta thực tế là có, nhưng nó là thị trường ngầm trao đổi qua tay nhau thôi, thỏa thuận thôi. Tạo thị trường cổ vật tốt nhất là có đấu giá, việc đấu giá ấy có tính chất tự giác. Bây giờ, nhà nước xây dựng được cái đó, trước mắt là từ những bảo tàng quốc gia... Không vội vàng nhưng mình phải bắt tay vào hành động... Có những cuộc đấu giá như thế thì sau nhiều năm nó sẽ hình thành một thị trường cổ vật hợp pháp và chuyên nghiệp. Nếu chúng ta có sàn đấu giá cổ vật, thị trường cổ vật có cái lợi nữa là cổ vật sẽ hồi hương rất nhiều”.
Có một sàn đấu giá cổ vật chuyên nghiệp để hướng tới một thị trường cổ vật công khai, minh bạch là niềm mong mỏi của rất nhiều chơi cổ vật hiện nay.
Trong những đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Luật Di sản văn hóa tới đây, chuyên gia cho rằng, ngành văn hóa ở các địa phương cần có kế hoạch thống kê, phân loại quan tâm nhiều hơn đến sưu tập cổ vật tư nhân. Qua nhiều đợt Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia, có quá ít bảo vật quốc gia được công nhận từ bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng ngoài công lập, trong khi còn nhiều hơn thế những cổ vật xứng đáng được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Chính vì điều này mà những nhà sưu tầm cổ vật tư nhân, các bảo tàng ngoài công lập cảm giác như mình là "con nuôi".
Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di vật, cổ vật ở nước ta, dù đã có nhiều sự thay đổi theo hướng tích cực, nhưng chưa đáp ứng được với kỳ vọng, vì thế chúng ta cần có một cái nhìn bao quát, những điều chỉnh cụ thể, và một sự quan tâm, quản lý đúng mức để nhiều lợi ích văn hóa, tinh thần và cả kinh tế sẽ đến từ di sản.
Nhắc đến cổ vật Việt, chúng ta không thể không nhắc tới dòng gốm hoa nâu. Đây được xem là dòng gốm tiêu biểu của thời đại Lý – Trần, góp phần tạo nên giá trị riêng biệt của dòng gốm cổ Việt Nam, không trộn lẫn với bất cứ một dòng gốm cổ nào trên thế giới. Mặc dù chỉ phát triển rực rỡ trong khoảng hơn 200 năm, số lượng hiện vật tồn tại còn đến ngày nay không nhiều, nhưng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của dòng gốm hoa nâu vô cùng lớn, là kho tàng vô giá phản ánh một giai đoạn lịch sử đẫm chất nhân văn nhưng cũng đầy tinh thần thượng võ của dân tộc.
Trong chuyên mục Bảo vật Quốc gia ngày hôm nay, hãy cùng tôi đến với Bảo tàng Quảng Ninh và tìm hiểu về Bảo vật Quốc gia Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần - một trong những hiện vật rất độc đáo, tiêu biểu cho dòng gốm hoa nâu cổ xưa.
BẢO VẬT TỪ CUỘC KHAI QUẬT HÀNH CUNG
PGS.TS ĐẶNG HỒNG SƠN – Phó Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐHXH và NV, ĐH Quốc gia Hà Nội: “Thống gốm hoa nâu thời Trần được phát hiện trong một cuộc khai quật qui mô lớn tại Đền Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh. Đây là một di tích rất quan trọng của thời Trần tại Quảng Ninh. Thống gốm hoa nâu này theo tư liệu khai quật thì thống gốm được phát hiện ngay trong 1 cái sân ở cạnh điện chính. Cái giá trị gốc, độc bản này là một minh chứng rất là rõ ràng cho vương triều Trần.”
Năm 2017-2018, trong một cuộc khai quật qui mô lớn tại đền An Sinh, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, các nhà khảo cổ đã phát hiện thống gốm hoa nâu An Sinh trong cụm di tích kiến trúc thời Trần ở hành cung của An Sinh Vương Trần Liễu. Theo hồ sơ Bảo vật Quốc gia, chiếc thống gốm này có kích thước lớn nhất trong hệ thống đồ gốm gia dụng và đồ gốm nghi lễ thời Trần ở nước ta với đường kính miệng gần 108cm, trọng lượng lên tới 126kg.
PGS.TS ĐẶNG HỒNG SƠN – Phó Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐHXH và NV, ĐH Quốc gia Hà Nội: “Nó giống như một cái chậu bình thường thôi nhưng mà là một cái chậu rất lớn. Để sản xuất được nó, để nung được nó không phải đơn giản. Để nung một chiếc thống gốm lớn đến như vật đòi hỏi một kĩ thuật rất cao. Như cá nhân tôi được biết, cho đến thời điểm này chưa có đồ gốm nào thời Trần có kích thước lớn như chiếc thống gốm này”.
Bên cạnh yếu tố kích thước, đặc trưng tiêu biểu nhất giúp nhận diện giá trị và chức năng của thống gốm hoa nâu An Sinh chính là hoa văn trang trí. Theo chiều từ trên xuống dưới, bề mặt thống gốm được phân chia thành 6 băng hoa văn trang trí khác nhau, có hoa văn chính, có hoa văn phụ, hàm chứa một ý niệm văn hóa đặc sắc thời Trần.
PGS.TS ĐẶNG HỒNG SƠN – Phó Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐHXH và NV, ĐH Quốc gia Hà Nội: “Hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy ở đây là hình ảnh hoa lá, hình rồng. Đặc biệt là có 8 con rồng bay theo chiều kim đồng hồ, mỗi con rồng lại được khắc họa ở các tư thế khác nhau, thể hiện một tư thế vận động. Tôi xin nhấn mạnh, rồng là biểu tượng của vua chúa và chiếc thống gốm này là một trong những đồ gốm hiếm hoi ở thời Trần có hình tượng rồng.”.
Từ những đặc điểm nổi bật về thiết kết, đồ án hoa văn trang trí của thống gốm, có thể khẳng định, thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần trong hành cung An Sinh vương Trần Liễu chính là biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Trần, phản ánh một phần giá trị tư tưởng, trình độ thẩm mỹ của thời đại; đồng thời còn cho thấy được những nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt cũng như tính hữu dụng trong quá trình tồn tại của hiện vật.
Với những nhà sưu tầm cổ vật, được chạm, cầm trên tay một sản phẩm gốm sứ Lý – Trần là một niềm hạnh phúc. Bởi đó chính là nơi cất giấu bàn tay tài hoa, lưu giữ tâm hồn rất Việt của cha ông ta. Không chỉ vậy, gốm nâu Lý – Trần còn gắn với một giai đoạn lịch sử hào hùng của lịch sử dân tộc. Cũng giống như cổ vật, mỗi địa điểm khi được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia đều chứa đựng những câu chuyện, những giá trị đại diện cho một giai đoạn lịch sử của đất nước. Có những di tích vẫn đang ngày ngày hiện diện, phát huy những giá trị vần văn hóa lịch sử được tích tụ và lưu giữ qua thời gian, nhưng cũng có những di tích đang ngày càng lụi tàn và có thể sẽ biến mất vào một ngày nào đó. Câu chuyện về Lăng Hoàng Cao Khải hay còn gọi là Ấp Hoàng Cao Khải có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.
LĂNG HOÀNG CAO KHẢI – DI TÍCH ĐANG DẦN BIẾN MẤT
Cụm di tích Lăng Hoàng Cao Khải trong quá khứ có diện tích lên tới 17ha được xây dựng năm 1893 bởi Tổng đốc Hoàng Cao Khải. Cụm di tích này bao gồm 14 hạng mục kiến trúc lớn nhỏ như lăng mộ Hoàng Cao Khải, lăng mộ Hoàng Trọng Phu, đồi Nghinh Phong, hồ Tẩm Nguyệt, hay khu đền thờ họ Hoàng... nằm rải rác ở khu vực phía tây của gò Đống Đa. Theo các nhà sử học, lăng Hoàng Cao Khải là cụm công trình đá lớn nhất Hà Nội và lớn thứ nhì Việt Nam (sau thành Nhà Hồ).
Những hình ảnh quý vị và các bạn vừa xem đã không còn nguyên vẹn đến thời điểm hiện tại. Nơi tôi đang đứng chính là cửa lăng Hoàng Cao Khải với một diện mạo tương đồng của một phế tích hơn là một di tích.
Từ 14 cụm công trình kiến trúc đá đặc sắc, cho đến thời điểm hiện tại khu Lăng Hoàng Cao Khải chỉ còn lại dấu vết của 2-3 cụm công trình. Và những gì còn đến hiện tại cũng đang ngày càng biến dạng mạnh mẽ. Có lẽ nếu vô tình lướt qua đây, không ai có thể hình dung nơi đây từng có một qui mô rộng lớn, hoành tráng đến vậy.
Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải là một nhân vật có nhiều luồng ý kiến khác trong trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những giá trị đặc biệt, độc đáo của cụm công trình đá qui mô, hoành tráng mà ông đã cho xây dựng tại Ấp Thái Hà. Lăng Hoàng Cao Khải đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia vào năm 1962, tuy nhiên, những giá trị của di tích đã mất dần theo thời gian.
Trong gần 20 năm trở lại đây, nhiều nhà sử học đã lên tiếng về việc “giải cứu” những gì còn sót lại của Lăng Hoàng Cao Khải, nhưng rồi, những tiếng kêu cứu đó đã chìm trong vô vọng. Và có thể một ngày nào đó, nhắc đến Lăng Hoàng Cao Khải – cụm công trình đá qui mô bậc nhất của Hà Nội sẽ chỉ còn hiện hữu qua những thước ảnh.
Hy vọng Câu chuyện về Lăng Hoàng Cao Khải và những điều ngẫm ngợi đằng sau nó là những điều ý nghĩa mà chúng tôi dành để khép lại chương trình hôm nay. Cảm ơn quý vị khán giả đã đồng hành cùng chương trình Di sản Việt Nam. Xin chào và hẹn gặp lại
Thực hiện : Hạnh Thủy - Bích Liên - Thu Trang