Di sản Việt Nam |Số 9|: Làm thế nào để bảo tồn hơn 6.000 cây di sản sau khi được công nhận danh hiệu?

Những người làm chương trình, chúng tôi luôn mong muốn Di sản Việt Nam sẽ là một điểm hẹn ý nghĩa, giúp quí vị tìm được những giá trị lịch sử, văn hóa đáng quí, được lưu giữ từ ngàn đời của dân tộc. Những giá trị đó là gì, chúng ta sẽ cùng khám phá dần qua các chuyên mục của chương trình.

KHAI QUẬT KHẢO CỔ HỌC TẠI VỊ TRÍ DỰ KIẾN XÂY DỰNG ĐỀN THỜ NGÔ QUYỀN

Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định số 1200 cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật tại vị trí dự kiến xây dựng đền thờ Ngô Quyền thuộc di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Thời gian khai quật từ ngày 27/5/2022 đến ngày 25/8/2022, trên diện tích 100m2 (gồm 10 hố x 10m2 /01 hố). Chủ trì khai quật là ông Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học. 

Đề xuất xây dựng đền Thờ Ngô Quyền được các nhà khoa học đưa ra từ đợt kỉ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, nhằm tôn vinh những công lao, chiến công hiển hách của vị anh hùng dân tộc, nhân vật có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Đặc biệt, Cổ Loa chính là nơi ông xưng vương, vì vậy xây đền thờ Ngô Quyền tại đây được nhiều nhà sử học đánh giá là xứng đáng và cần thiết.

QUẢNG BÁ GIÁ TRỊ DI SẢN THÔNG QUA “NGÀY HỘI HÁI QUẢ”

Sau hơn 2 năm không tổ chức được vì ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, năm nay “Ngày hội hái quả” đã được tổ chức tại thung lũng Mận hậu Nà Ka rộng hàng trăm hecta thuộc huyện Mộc Châu. Đây là sự kiện được mong chờ nhất trong năm, thu hút hàng nghìn người từ khắp mọi miền đất nước đổ về đây để tham dự

Chị HÀ THỊ MƠ, đội thi xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La: “Đây là lần đầu tiên tôi và đội được tham gia thi hái quả, chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi. Qua hội thi, chúng tôi được quảng bá mận hậu Mộc Châu đến với tất cả du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, đội chúng tôi cũng mang đến phần thi những thông điệp để quảng bá về khu du lịch thác Dải Yếm đến với du khách.”

Ông Sam Wilson, du khách nước Anh: Tôi đến đây rất nhiều rồi nhưng đây là lần đầu tiên được tham dự vào ngày hội hái quả. Đến với ngày hội, tôi rất vui khi được tham gia, trải nghiệm vào các trò chơi, được hòa mình vào cùng hái mận với bà con ở nơi đây.”

Thông qua ngày hội hái quả mận hậu Mộc Châu năm 2022, du khách còn được tham quan, tìm hiểu những nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc Mộc Châu, những tinh hoa trong nghệ thuật ẩm thực nơi đây và có cơ hội tìm hiểu những giá trị di sản đặc sắc của bà con dân tộc nơi vùng cao này.

GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÂY DI SẢN

Nhắc đến các giá trị di sản thì khái niệm "cây di sản" có lẽ cũng không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, "cây di sản" có giá trị như thế nào trong tiến trình lịch sử của đất nước ta từ cổ tới nay? Có giá trị như thế nào trong việc hình thành, gìn giữ các giá trị văn hóa đặc trưng vùng miền của dân tộc? Có giá trị như thế nào trong quá trình bảo vệ những giá trị của tự nhiên ban tặng...thì  không phải ai cũng nắm rõ. Và trong chuyên mục "Câu chuyện Di sản" tuần này, chúng tôi đã mời tới trường quay Tiến sĩ Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam để cùng trao đổi về vấn đề này. 

Nằm trên một ngọn đồi ngay gần trung tâm TP Việt Trì, Phú Thọ, đền Thiên Cổ (thôn Hương Lan, xã Trưng Vương) có thể coi là bằng chứng về lịch sử văn hoá giáo dục và văn minh thời Lạc Việt. Theo sử sách ghi lại, ngôi đền này thờ thầy giáo Vũ Thê Lang và vợ là bà Nguyễn Thị Thục từ thời Hùng Vương. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị về lịch sử giáo dục của dân tộc, du khách tới với ngôi đền còn đặc biệt ấn tượng bởi cụm 2 cây táu được trồng hai bên đền. Trong đó cây táu trắng với tuổi đời hơn 2200 năm, được công nhận là cây di sản từ năm 2012 vẫn thường được người dân trong thôn xưng hô rất trân trọng - “cụ táu trắng”.

Ông NGUYỄN THIỆN NINH - thủ từ Đền Thiên Cổ, thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ: “Hai cây táu này là đền thờ của hai sư phụ, được nhân dân làng Hương trồng sau khi các cụ mất, xây đền thờ cho hai cụ."

Ông NGUYỄN HỮU KIỀN – Phó tiểu ban Di tích lích sử thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ: “Hai cây táu là di tích lịch sử để mọi người đến để tham quan, noi gương sau này cho con cháu học tập, đến để nhìn hai cây táu là hai cây cổ thủ từ xưa để lại”.

Theo chia sẻ của các cụ thủ từ đền Thiên Cổ, “cụ táu trắng” này được người dân trong thôn ví như một chứng nhân thiên cổ của lịch sử, như một biểu tượng của sự nghiệp học hành, phát triển của các thế hệ tương lai.

Ông NGUYỄN THIỆN NINH – thủ từ Đền Thiên Cổ, thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ: “Hai cây táu này rất linh thiêng. Mỗi dịp bước vào kì thi của các cháu, từ tháng 4 đến tháng 9, hai cây táu này cũng bắt đầu nở hoa để đón mùa thi cử”.

Cũng nằm trong khuôn viên của một địa điểm di tích lịch sử, cụm 83 cây di sản giống lim xanh này được người dân xung quanh khu vực Đền Và, thị xã Sơn Tây, huyện Sóc Sơn trân trọng và gìn giữ.

Ông TRỊNH QUANG HÒA – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội: Rừng lim xanh là biểu tượng của Đền Và, khách thập phương khi đến đây đều rất thích thú quần thể lim xanh. Nhân dân địa phương rất coi trọng, hoàn toàn không có chuyện chặt hay là làm gì ảnh hưởng đến khu vực rừng lim này. Người ta dân rất có ý thức bảo vệ, không cho kẻ gian, kẻ trộm vào chặt trộm hay làm gì."

Cho đến thời điểm hiện tại, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận hơn 6.000 cây di sản trên khắp cả nước. Việc công nhận cây di sản không chỉ góp phần gìn giữ nguồn gen quí hiếm, bảo vệ môi trường thiên nhiên tại địa phương mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng truyền thống văn hóa, lịch sử nơi sở hữu cây di sản.

Ông BÙI PHÚC KHÁCH – Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ: “Một trong những phong trào thấm vào lòng dân chính là phong trào tôn vinh cây di sản, nâng cao ý thức cộng đồng. Tôi làm chương trình này 10 năm nay rồi, tôi rất cảm động, mỗi một lần tôn vinh cây di sản Việt Nam là một lần khơi dậy ý thức tự hào của quê hương, ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng lên một tầm mới. Trong ngày tôn vinh đó, từ cụ già cho đến cháu nhỏ, đều coi như ngày lễ làng hội làng vậy”.

Mặc dù là danh hiệu của một tổ chức hội, tuy nhiên không thể phủ nhận suốt 12 năm thực hiện, phong trào “bảo tồn cây di sản” đã tạo ra được hiệu ứng lẫn hiệu quả rất lớn. Đơn cử, nhìn vào rừng lim xanh tại Đền Và, nếu không phải là di sản được tôn vinh, được bảo vệ thì có lẽ cụm lim xanh này đã biến mất từ lâu khi giờ đây nước ta phải nhập khẩu giống lim từ tận Nam Phi về để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Văn Miều!

Như chúng ta đã biết, thực vật có sự sống, sự sống đó có thể trường tồn nhưng cũng có thể biến mất nhanh chóng nếu thực vật không còn nguồn cung cấp dinh dưỡng. Trên thực tế thời gian qua, nhiều địa phương đã gặp tình trạng cây di sản biến thành cành khô, củi khô chỉ sau một vài năm được công nhận danh hiệu. Bảo tồn cây di sản thế nào sau danh hiệu đang trở thành vấn đề cần xem xét.

Những cột chống này chính là giải pháp tạm thời được người dân thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ sử dụng, để ngăn chặn việc đổ gãy của “cụ táu trắng” tại đền Thiên Cổ. Với tuổi thọ lên tới hơn 2200 năm, “cụ táu trắng” này cũng dần bị thời gian, thiên nhiên lấy dần mất sự sống.

Ông NGUYỄN THIỆN NINH - thủ từ Đền Thiên Cổ, thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ: “Gần đây, chúng tôi phát hiện cây bị rạn nứt, một bên khô, một bên tươi nên đã báo cáo xã, xã báo cáo thành phố, báo cáo tỉnh và mong muốn có sự can thiệp. Đồng thời, chúng tôi nghiên cứu sử dụng 3 cây chống này để chống đỡ phòng sự cố. Bởi khi cành càng xum xuê rồi, nếu có mưa bão nữa thì càng sợ nó bị toạc ra.”

Cũng theo chia sẻ của cụ thủ từ, năm 2014, "cụ" táu này cũng đã trải qua một cơn “ thập tử nhất sinh”. Chỉ khi các nhà khoa học vào cuộc, tìm các giải pháp cứu chữa thì cây táu mới phục hồi được một phần.

Ông BÙI PHÚC KHÁCH – Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ: “Trước kia thì nó xum xuê, nhưng giờ chỉ còn duy nhất 1 cành, do nhiều yếu tố khách quan chủ quan mà giờ chỉ còn một cành duy nhất, chúng tôi rất lo. Vì thế, chúng tôi phải làm một hội thảo chuyên ngành tại đền Thiên Cổ, tìm một giải pháp khoa học để kéo dài tuổi thọ. Chúng tôi chỉ có thể kéo dài thôi vì "cụ" cũng đã quá già rồi”.

Tình trạng các “cụ” cây chết dần chết mòn cũng đang diễn ra tại cụm cây di sản lim xanh tại khu vực Đền Và. Trên thực tế, khi được công nhận, cụm có 87 cây, nhưng nay chỉ còn 83 cây. Thân cây cứ dần dần mục ruỗng bên trong và nếu không được chăm sóc thường xuyên, đến một ngày, hệ thống cây di sản quí giá này cũng sẽ dần dần biến mất.

Ông TRỊNH QUANG HÒA – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội: “Chúng tôi đã mời Trường Đại học Lâm nghiệp và Viện Nghiên cứu lâm nghiệp về đánh giá từng cây, về mức độ sâu bệnh, sức khỏe của từng cây. Để từ đó có phương pháp bổ sung chất dinh dưỡng phòng chống cho cây, đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển. Những cây ở đây như các bạn thấy cũng bị rỗng thân, rỗng giữa, sâu bệnh. Thực tế, nếu Đền Và chúng tôi không con rừng lim xanh thì cũng không còn nổi tiếng nữa”.

Tình trạng cây di sản chết dần chết mòn không phải là chuyện hiếm, như cụm 9 cây muỗm đền Voi Phục, Hà Nội, giờ chỉ còn 5, hay hàng loạt cây di sản bị chết khô sau vinh danh tại tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do vòng đời, do tác động của thiên nhiên, không ít trường hợp do thiếu phương pháp, thiếu sự hướng dẫn, và thiếu cả trách nhiệm trong chăm sóc cây di sản. Đây là những tồn tại khó có thể giải quyết được khi việc bảo tồn cây di sản chủ yếu phụ thuộc vào ý chí của chính quyền cũng như cộng đồng tại địa phương.

TƯỢNG ÔNG SẤM CHÙA HƯƠNG LÃNG: KIỆT TÁC DIÊU KHẮC ĐÁ THỜI NHÀ LÝ

Sư tử đá hay tượng ông Sấm là hiện vật điêu khắc đá mang đậm dấu ấn nghệ thuật, kiến trúc thời Lý. Một số tượng ông Sấm đã được tìm thấy và lưu giữ tại một số chùa như chùa Bà Tấm, chùa Phật Tích hay chùa Hương Lãng..... Đặc biệt, khi đến với chùa Hương Lãng của tỉnh Hưng Yên, du khách có thể chiêm ngưỡng hiện vật "tượng Ông Sấm" rất độc đáo, không chỉ mang dấu ấn riêng về kiến trúc điêu khắc đá, mà hiện vật này còn có những dấu ấn lịch sử đặc biệt. Hiện vật “tượng sư tử đá” chùa Hương Lãng cũng được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2020.

Tương truyền, chùa Hương Lãng được Nguyên phi Ỷ Lan xây dựng thời nhà Lý, khoảng năm 1115. Đây được đánh giá là một trong những ngôi tự cổ nhất Việt Nam. Sau những lần khảo cứu tại nền móng cũ của chùa, các nhà khoa học đã tìm được rất nhiều di vật, cấu kiện các hạng mục kiến trúc cũ bằng đá quý hiếm, nổi bật trong đó là tượng sư tử đá, hay còn gọi là tượng ông Sấm, được đặt ở hậu cung của chùa.

Đại đức THÍCH THANH HỘI – Trụ trì chùa Hương Lãng, tỉnh Hưng Yên: “Nét đặc biệt của tượng ông Sấm là được tạo từ đá nguyên khối, trên đầu có chữ vương đại diện cho sự quyền quý của  chế độ phong kiến lúc bấy giờ, thể hiện cho mong muốn của nhân dân đất nước chúng ta thời đó phồn vinh thịnh vượng”.

Ông LÊ QUANG ĐÀO – Chủ tịch UBND xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên: “Tượng sư tử đá này trước đây gọi là ông Sấm. Ông Sấm có truyền thuyết rất rõ ràng. Khi mưa xuống hoặc muốn cầu mưa thì họ cầu ông Sấm."

Tượng sư tử đá được tạo tác từ đá nguyên khối, tạc hình một con sư tử đội tòa sen tạo thành bệ đá lớn. Quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy, các khối nổi trên bề mặt tượng hầu như không có góc cạnh gồ ghề, tất cả đều nhẵn, êm và chau chuốt, không có chỗ ngắt nhịp đột ngột. Đây là đặc trưng riêng của nghệ thuật điêu khắc thời Lý và thông qua tượng sư tử đá chùa Hương Lãng, những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc thời Lý đều được thể hiện rất rõ.

Ông LÊ QUANG ĐÀO – Chủ tịch UBND xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên:Đối với tượng sư tử đá này, các hoa văn đều được đục bằng tay vào thời kì nhà Lý. Những hoa văn như cúc, hoa dây, những hoa văn rất là tinh tế, sắc sảo và đẹp. Chúng tôi nghĩ rằng, giờ chúng ta có công nghệ cao cũng chưa chắc đã làm được như vậy”.

Từ khối đá vô thô cứng, qua bàn tay tinh xảo của những nghệ nhân thời Lý, tượng ông Sấm hiện lên sắc nét, có hồn từng chi tiết nhỏ, từ đôi mắt, chiếc miệng, hai chiếc răng nanh, đôi chân phủ phục hay chiếc đuôi nhỏ phía sau cuộn tròn, những chi tiết khiến người xem có cảm giác vừa hư, vừa thực. Cái hư vô của sự tâm linh hòa trộn giữa cái thực của nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao, tất cả tạo nên một hình khối tượng ông Sấm sống động, uy nghiêm. Điều đặc biệt hơn nữa, với những triết lí Phật giáo sâu sắc về hướng thiện, hướng Phật của thời nhà Lý , tượng sư tử đá chùa Hương Lãng chính là một Bảo vật Quốc gia tượng trưng cho một thời kì phát triển hưng thịnh của nhà Lý.

Bảo vật Quốc gia dù được lưu giữ tại các bảo tàng, các điểm di tích hay các cơ quan lưu trữ khác nhau thì đều là những hiện vật đã được các nhà khoa học nghiên cứu và được Nhà nước công nhận, khẳng định. Chúng tôi hi vọng, thông qua chuyên mục này hàng tuần, những giá trị đáng quí của Bảo vật Quốc gia sẽ được quảng bá rộng hơn, giúp quí vị khản giá hiểu rõ hơn và đền gần hơn tới những hiện vật đặc sắc của đất nước. 

CHIẾC CỘT CHỐNG TRỜI ĐẶC BIỆT CÒN SÓT TỪ THỜI BAO CẤP

Mời quí vị cùng biên tập viên Nhật Thảo và kiến trúc sư Trần Huy Ánh tới với một công trình độc đáo trong lòng Hà Nội. Điểm đến đó chính là "Ống khói nhà máy gạch Đại La".

Nằm trong khuôn viên khách sạn Pullman Hà Nội, chiếc ống khói đặc biệt này có lẽ vừa quen vừa lạ. Quen nếu như ai đó từng đọc về Hà Nội, từng chứng kiến những sự đổi thay của Hà Nội. Nhưng lại lạ với những ai tình cờ bước qua công trình này mà chưa kịp thắc mắc, tại sao nó lại nằm ở đây?

MC Nhật Thảo: Thưa Quý vị khán giả, tôi đang đứng dưới chân công trình ống khói nhà máy gạch Đại La, một công trình đã có tuổi đời lên tới hơn 100 năm. Với nhiều người dân thủ đô, công trình này còn được ví như một chứng nhân lịch sử.

Mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi!

Trong những bức ảnh tư liệu còn sót lại, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy nhà máy gạch Đại La thời ấy có qui mô không hề nhỏ. Và chính vì lẽ đó, nhiều người vẫn thường gọi chiếc ống khói này là chiếc “cột chống trời” – một biểu tượng cao nhất của thời bao cấp còn sót lại tới ngày nay.

Sau hơn 100 năm, không ít viên gạch đã được thay thế và cũng không ít viên gạch đã bị mài mòn dưới tác động của thiên nhiên. Thế nhưng, “chiếc cột chống trời “ đặc biệt này vẫn tồn tại như minh chứng: Những giá trị của lịch sử vẫn luôn được trân trọng và không ngừng tìm kiếm. 

Hi vọng câu chuyện về chiếc ống khói nhà máy gạch Đại La của chúng tôi sẽ giúp quí vị có những giây phút lắng đọng, để tìm về một Hà Nội xưa, một Hà Nội vẫn luôn là niềm trăn trở của những người yêu mến Hà Nội.